Kinh doanh

Ngành lúa gạo khẳng định vị thế mới

Tóm tắt:
  • Việt Nam đã khẳng định vị thế số một thế giới trong ngành gạo sau 36 năm tham gia thị trường quốc tế.
  • Chính phủ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa bền vững, thân thiện môi trường, giúp nâng cao thu nhập nông dân.
  • Các mô hình trồng lúa mới giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
  • Sự chuyển đổi tư duy và áp dụng quy trình canh tác mới giúp nâng cao nhận thức về phát triển bền vững.
  • WB cam kết hỗ trợ tài chính để Việt Nam triển khai dự án dựa trên mô hình lúa gạo hiện đại, thân thiện khí hậu.

Chuyển biến từ tư duy

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được gọi vựa lúa cả nước, khi nhiều năm liền đóng góp 50% sản lượng lúa, hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Sau 36 năm tham gia thị trường gạo quốc tế, hạt gạo Việt Nam đã khẳng định vị thế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ngành hàng này cũng đối mặt không ít khó khăn, thăng trầm, đời sống nông dân còn bấp bênh, sản xuất lúa đứng trước nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, môi trường, tăng chất lượng…

Ngành lúa gạo khẳng định vị thế mới ảnh 1

Mục tiêu chính của Đề án 1 triệu ha lúa là tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng.

Chính phủ đã ban hành Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Tới nay, việc thí điểm các mô hình trồng lúa mới theo đề án này đã được triển khai tại nhiều địa phương trong hơn 1 năm qua. Đặc biệt, dù mới thí điểm, nhưng mô hình trồng lúa mới nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân, doanh nghiệp (DN) và các hợp tác xã (HTX).

Ngành lúa gạo khẳng định vị thế mới ảnh 2

Ngành lúa gạo đang thực hiện cuộc chuyển mình trong thay đổi tư duy.

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận (Cần Thơ), cho rằng, lợi ích lớn nhất khi thí điểm mô hình trồng lúa mới theo Đề án 1 triệu héc-ta là sự thay đổi trong tập quán canh tác của bà con nông dân. Cách thức canh tác mới theo hướng bền vững, thân thiện với tự nhiên, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm chi phí đầu tư nhưng lợi nhuận vẫn tăng từ 1 - 6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. “Nông dân còn tăng hiệu quả kinh tế từ phụ phẩm rơm rạ thông qua việc tái sử dụng để trồng nấm rơm, ủ thành phân bón hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường vì không còn đốt đồng, vùi bùn như trước. Ngoài ra, giảm sử dụng phân bón, thuốc hóa học, đảm bảo sức khỏe và bảo vệ môi trường. Các thành viên HTX rất đồng thuận, nhiệt tình tham gia, tuân thủ sản xuất lúa theo quy trình được khuyến cáo”, ông Khải nói.

Ngành lúa gạo khẳng định vị thế mới ảnh 3

Thu hoạch lúa chất lượng cao phát thải thấp trên cánh đồng mô hình điểm ở Cần Thơ.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho rằng, Đề án 1 triệu héc-ta lúa ra đời đã gỡ được nút thắt cơ bản của mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trước đây. Đề án có nhiều mục tiêu, nhưng cao nhất để ngành hàng lúa gạo Việt phát triển bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để định hình lại ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Đồng thời khẳng định vị thế, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy

“Sau khi Đề án 1 triệu héc-ta lúa được Thủ tướng phê duyệt, lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương vùng ĐBSCL đã cùng vào cuộc rất quyết liệt. Địa phương, nông dân, HTX và DN ngành lúa gạo ở ĐBSCL rất phấn khởi, háo hức, kỳ vọng vào các giải pháp mới sẽ giúp mô hình này thành công”, ông Bình nói. DN của ông Bình đã tiên phong đăng ký tham gia với diện tích 100.000ha lúa theo mô hình canh tác mới.

Tự tin nhân rộng

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đánh giá, Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn hướng tới ngành lúa gạo bền vững. Mô hình trồng lúa mới còn hướng tới ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, việc tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, tạo thêm giá trị gia tăng, giảm chi phí, tăng hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Từ đó góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo vệ môi trường.

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm trên đồng ruộng các mô hình trồng lúa mới theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, Bộ trưởng NN&MT Đỗ Đức Duy đánh giá: “Một trong những dấu ấn lớn nhất của mô hình thí điểm là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy và nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân về mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Bà con nông dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tiếp cận và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thông minh. Tiền đề quan trọng này để hướng tới xây dựng, hoàn thiện, chuẩn hóa và nhân rộng quy trình canh tác lúa bền vững tại vùng ĐBSCL”.

Ông Duy cũng nhìn nhận, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, nhân rộng mô hình lúa chất lượng cao. Qua đó vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa góp phần đáng kể trong giảm phát thải khí nhà kính, hình thành các chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững. Một số DN lớn tích cực tham gia, hỗ trợ nông dân từ khâu giống, vật tư đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra, bước đầu xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo bền vững, minh bạch.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, cùng với thí điểm mô hình canh tác lúa mới, đã bước đầu nghiên cứu, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt, với bộ nhận diện nhãn hiệu gạo Việt Nam xanh, phát thải thấp. “Đủ cơ sở để nhân rộng mô hình càng sớm càng tốt. Đây chính là hướng đi đúng đắn cho ngành lúa gạo Việt Nam”, ông Duy nói.

Thống kê từ Bộ NN&MT sau 1 năm thí điểm các mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 5 tỉnh thành ở ĐBSCL cho thấy lợi ích rõ rệt cả về kinh tế và môi trường. So với mô hình trồng lúa truyền thống, các mô hình canh tác mới giúp giảm chi phí sản xuất từ 8-24% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới (tuỳ theo từng mô hình thí điểm). Năng suất lúa tăng 2 - 7%, thu nhập của nông dân tăng 12 - 50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4 - 7 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính trung bình trên 2 tấn CO2 tương đương mỗi héc-ta. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các DN cam kết bao tiêu với giá cao hơn lúa thông thường từ 200 - 300 đồng/kg, tạo động lực cho nông dân tham gia.

Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục hơn 9 triệu tấn trị giá hơn 5,7 tỷ USD. Tuy nhiên, bước sang quý I/2025, với việc Ấn Độ mở lại xuất khẩu, khiến giá gạo toàn cầu giảm, nên sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 5%, nhưng giảm hơn 20% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong chuyến đi thực tế mô hình thí điểm trồng lúa của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Cần Thơ mới đây, bà Shobha Shetty, Giám đốc Toàn cầu phụ trách nông nghiệp và lương thực - Ngân hàng Thế giới (WB), đánh giá, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong việc giảm phát thải trong canh tác lúa. Do đó, WB cam kết đồng hành, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi và vận động vốn không hoàn lại để Việt Nam triển khai đề án thành công. Dự kiến, WB sẽ tài trợ Dự án hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, làm cầu nối trong triển khai Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF).

Các tin khác

CADIVI – 50 năm cùng Việt Nam vươn cao

Năm 2025, Công ty Cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (CADIVI) tự hào bước vào cột mốc quan trọng: 50 năm hình thành và phát triển. Đây là hành trình dài nửa thế kỷ, không chỉ là câu chuyện về sự vươn lên của một thương hiệu, mà còn là hành trình của niềm tin, khát vọng và tầm nhìn không ngừng mở rộng. Từ một xưởng sản xuất nhỏ bé vào tháng 10/1975, CADIVI đã trở thành tên tuổi hàng đầu trong ngành dây và cáp điện tại Việt Nam, đồng thời khẳng định mình trên trường quốc tế.

Kinh doanh từ hai bàn tay trắng, 5 năm đạt doanh thu hơn 1000 tỷ đồng: Ít vốn nên phải tìm cách len qua khe cửa hẹp để không bị các ‘ông lớn’ đè bẹp!

Nhờ vào sản phẩm Wifi di động, Hoàng Trác Việt và Tào Tường Nam kiếm được số tiền lên tới hàng ngàn tỷ sau 5 năm kinh doanh. Lưu lượng pin của sản phẩm wifi di động có thể duy trì 24-30 tiếng, chỉ với khoảng 20-30 tệ/tháng (khoảng 60-90 ngàn đồng), người dùng có thể sử dụng lưu lượng wifi vô hạn.

Sức ép thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: Hàng Việt tìm đường thoát hiểm

TP - Theo các hiệp hội ngành hàng và các tham tán thương mại, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với các quốc gia đang tạo ra sức ép với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều mặt hàng sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, một số mặt hàng sẽ có lợi thế khi chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác ngoài Hoa Kỳ.

Vì sao tôi chọn ngành điện?

Tôi đã quyết tâm đi theo con đường mà rất nhiều người nói sợ cực sợ khổ. Đó là nghề điện bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự đam mê về ngành này đã được thai nghén từ bé...

5 không khi ăn thịt vịt

Bạn không được ăn thịt vịt chưa chín kỹ, không ăn nhiều da, không để loại thịt này ở nhiệt độ phòng quá lâu…

TP.HCM nghĩa tình: Bữa khuya yêu thương

Vào tối thứ ba và thứ sáu mỗi tuần, hàng trăm thân nhân và bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đều được nhận những món ăn miễn phí từ chương trình "Bữa khuya yêu thương".