Sáng 6/4, con tàu 561 nhổ neo rời cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, đưa gần 200 người ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK - I/11. Trên boong, khi những người khác dõi về đất liền, trung tá Đỗ Phú Khánh, công an tỉnh Nam Định, hướng về phía biển.
"Với tôi đây không chỉ là chuyến thăm nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc mà để hiểu và gần hơn với bố, người tôi chưa từng gặp mặt", trung tá Đỗ Phú Khánh, cán bộ công an tỉnh Nam Định, nói.

Liệt sĩ Đỗ Văn Bản, quê Xuân Thủy, Nam Định, hy sinh tháng 12/1979. Ảnh: Gia đình cung cấp
Tháng 2/1978, sĩ quan bộ đội cao xạ Đỗ Văn Bản kết hôn với cô gái Vũ Thị Hương ở huyện Xuân Thủy, Nam Định. Bên nhau chưa được một tháng, ông Bản được lệnh ra Trường Sa.
Liên lạc giữa lính đảo và đất liền thời bấy giờ chỉ có những cánh thư một năm đôi bận. Trong thư đầu tiên vợ báo tin mang thai, ông Bản dặn: "Nếu là con trai, hãy đặt tên Phú Khánh", (nay là tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), tên của tỉnh có huyện đảo Trường Sa.
Cuối năm 1979, tin dữ ập về. Ông Bản hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ và mất tích trên biển khi vừa 26 tuổi. Kỷ vật gửi về từ biển cả có giấy báo tử, bộ quân phục đã sờn màu muối mặn và tấm ảnh con trai chụp lúc 9 tháng tuổi.
Tuổi thơ của Phú Khánh lớn lên trong niềm tin không thể lay chuyển của bà nội. Mỗi lần bị bạn trêu chọc và khóc đòi bố, cậu lại nghe câu nói quen thuộc: "Bố con đi làm nhiệm vụ đặc biệt chưa về".
Câu nói ấy theo Khánh suốt những năm đầu đời như chiếc neo giữ hy vọng. Mãi đến khi đủ lớn để hiểu ý nghĩa hai từ "liệt sĩ", anh mới biết cha mình sẽ không bao giờ trở lại.
"Có lẽ vì sự kết nối với cha và truyền thống gia đình, từ nhỏ tôi đã ước mơ lớn lên làm trong ngành công an, quân đội", anh Khánh chia sẻ.
Bà nội anh mất năm 2018. Trước khi nhắm mắt vẫn canh cánh một điều "Nếu có cơ hội, hãy ra Trường Sa, nơi thằng Bản nằm xuống".
Anh Khánh biết mấy chục năm nay, mọi người trong gia đình vẫn mang một nỗi day dứt chưa nguôi. "Một kỷ vật, một nắm đất của cha cũng không có", anh nói.
Cuối tháng 3 năm nay, anh Khánh được cử tham gia chuyến đi Trường Sa cùng đoàn công tác số 7 của Bộ Công an, từ ngày 6 đến 12/4. Anh lập tức về quê, đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp nén nhang như một lời trình báo trước giờ lên đường.
Mẹ anh dặn: "Ra đến nơi, con nhớ gọi to tên bố... để bố biết mà về với mình".

Anh Đỗ Phú Khánh (giữa) làm việc với các cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa, nơi cha anh từng công tác, sáng 10/4. Ảnh: Phan Dương
Chiều 8/4, khi tàu 561 thả neo giữa vùng biển Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma để làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến không cân sức tháng 3/1988, không khí trên boong như chùng xuống.
Dù cha không hy sinh trong trận Gạc Ma, anh Khánh vẫn khó kìm được xúc động. Trên boong, tay anh run buông nhành hoa cúc và hạc giấy. Biển đón lấy, nâng niu, cuốn theo cả tiếng thì thầm "Cha ơi". Đôi mắt hoe đỏ tự lúc nào.
Đêm trước ngày đặt chân lên đảo Trường Sa lớn, con trai người liệt sĩ bồn chồn như sắp có cuộc hẹn quan trọng. Anh rà lại những việc cần làm, bởi ba tiếng trên đảo là khoảng thời gian hiếm hoi để thay mặt gia đình làm mọi điều còn dang dở.
Đứng trước hương linh cha tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, cảm xúc người con vỡ òa. Nước mắt anh không thể ngăn nổi nữa. Người con cúi đầu xin lỗi vì cuộc hội ngộ quá muộn màng.
"Tại mảnh đất giữa trùng khơi này, cha tôi từng sống, từng chiến đấu và ở lại mãi mãi. Tôi cảm giác cha đang hiện diện trong từng nhành cây, ngọn cỏ xung quanh", người con nói.

Anh Khánh trong lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đảo Trường Sa, sáng 10/4. Ảnh: Bích Phượng
Sau lễ dâng hương, anh ra chùa, rồi tìm đến đơn vị cha từng công tác, gửi quà quê và hỏi chuyện xưa. Gần nửa thế kỷ trôi qua, đồng đội cũ đã nghỉ hưu, việc tìm kiếm họ cần thêm thời gian.
Trong chuyến thăm Trường Sa, người con liệt sĩ này được trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, cùng các cán bộ chiến sĩ đã dành sự đón tiếp nồng hậu. Trước lúc tàu rời bến, đích thân trung tá Sơn đã tặng gia đình anh Khánh một số kỷ vật trên đảo như mong muốn của gia đình.
Trong những phút cuối cùng còn lại trên đảo, anh Khánh gọi về nhà. "Mẹ ơi, con đã thắp hương cho bố và đồng đội. Con đã làm lễ, đã tìm về đơn vị cũ của bố. Mẹ ơi, con biết Trường Sa rồi".
Đầu dây bên kia, giọng mẹ anh nghèn nghẹn: "Thế là bố con biết rồi đấy".
Trong đoàn công tác số 7 của Bộ Công an, chị Lê Thị Hồng Thương, cán bộ Cục Pháp chế đã nhiều lần không kìm nổi xúc động khi vô tình chứng kiến cảm xúc của trung tá Khánh. Chị kể, giây phút khi mọi người đã vãn khỏi Đài tưởng niệm Trường Sa, anh Khánh vẫn nán lại, thẫn thờ ngắm nhìn. Nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má.
"Là một công dân lần đầu đặt chân lên Trường Sa, tôi nghẹn ngào suốt chặng đường. Huống hồ anh, người con mất cha từ thuở nằm nôi, nay mới lần đầu được gần cha đến thế", chị Thương chia sẻ.
Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Mỗi rạn san hô, nhành cây nơi đây thấm đẫm máu xương bao thế hệ.
Anh Khánh trở về, mang theo lá cờ từng tung bay trên đảo, vỏ ốc ngậm vị mặn của sóng và một nắm cát trắng Trường Sa. Trên bàn thờ giữa gian nhà nhỏ, những kỷ vật ấy được đặt trang trọng.
"Sau gần nửa thế kỷ, cuối cùng gia đình tôi đã thực sự đón cha trở về", người con nói.
Video anh Phú Khánh chia sẻ cảm xúc về chuyến ra thăm Trường Sa.