Doanh nghiệp

Ngành hàng không - Nghịch lý: càng bay, càng lỗ

Khách đông vẫn lỗ

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các sân bay lớn trong nước đều đón lượng khách kỷ lục. Chỉ tính riêng sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 3 triệu lượt khách, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019. Giá vé máy bay theo đó cũng “nhảy múa” liên tục, tình trạng nghẽn mạng đặt vé trực tuyến, hết vé… đã xảy ra trong dịp tết. Anh Nguyễn Quân (quê tỉnh Tuyên Quang, tạm trú ở quận 3, TPHCM) cho biết, gia đình anh đặt mua vé về quê trước Tết Nguyên đán gần 20 ngày, nhưng rất khó mua. “Các đại lý bán vé, trang bán vé máy bay trực tuyến thông báo hết vé, buộc người mua phải chọn vé hạng thương gia hoặc nối tuyến, thậm chí bay qua Bangkok (Thái Lan) rồi mới bay vòng về Hà Nội”, anh Quân bức xúc kể.

Bất chấp thực tế khách đi lại đông đúc, các hãng hàng không lại báo cáo lỗ. Báo cáo tài chính quý 4-2022 của Vietnam Airlines cho thấy, hãng đạt doanh thu hợp nhất gần 71.000 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động vận tải là 51.464 tỷ đồng. Con số này lớn hơn hai năm 2020 và 2021 cộng lại, tương đương 70% mức trước dịch Covid-19. Nhưng Vietnam Airlines vẫn báo lỗ hơn 10.000 tỷ đồng và lũy kế đến hết năm 2022 lỗ trên 34.000 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của hãng bị âm hơn 10.000 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 70.777 tỷ đồng…

Tương tự, năm 2022 được xem là năm hồi phục mạnh mẽ của hãng hàng không Vietjet. Theo đó, hãng đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách với 116.000 chuyến bay, trong đó vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với năm 2019. Riêng vận tải hành khách quốc tế tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực khi mở hơn 20 đường bay mới trong năm 2022, tập trung chủ yếu vào thị trường Ấn Độ, kết nối các trung tâm kinh tế - du lịch gồm New Delhi, Mumbai, Hà Nội và TPHCM. Tính đến ngày 31-12-2022, Vietjet khai thác tổng cộng 103 đường bay. Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất kết quả kinh doanh cả năm 2022 của Vietjet cho thấy lỗ gộp 2.166 tỷ đồng, số nợ phải trả trên 55.509 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng không khá hơn khi chưa thể bù đắp được tổng chi phí hoạt động.

Ngành hàng không - Nghịch lý: càng bay, càng lỗ - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục tại quầy vé Vietnam Airlines. Ảnh: GIA HÂN

Tái cơ cấu

Giải thích của các hãng hàng không cho thấy, đầu tiên là đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc ngưng bay kéo dài nhưng các hãng hàng không buộc phải duy trì bộ máy. Tiếp theo là do xảy ra xung đột trên thế giới, dẫn đến giá nhiên liệu tăng đột biến, lãi suất tăng cao. Chẳng hạn, đối với giá nhiên liệu bay, năm 2021 chỉ khoảng 72 USD/thùng, nhưng giữa năm 2022 lên khoảng

130 USD/thùng (giá xăng Jet A1 có thời điểm tới hơn 160 USD/thùng). Bên cạnh đó là tác động của tỷ giá USD. Đại diện Vietnam Airlines dẫn chứng, phần lớn hợp đồng thuê bay đều được trả bằng USD, trong khi các đồng tiền bản địa ở các quốc gia có đường bay đến của hãng như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu bị mất giá mạnh…

Nhằm tìm giải pháp vượt khó, đại diện Vietnam Airlines cho biết đã trình các cấp có thẩm quyền đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, trong đó đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn như tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu…

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, cũng thông tin, Vietjet đã mua mới 1 máy bay A321 NEO từ Airbus và 2 máy bay A321 từ các đối tác cho thuê máy bay để phục vụ hành khách tốt hơn. Đặc biệt, trong năm 2023, Vietjet đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu nhờ vào việc mở cửa của thị trường Trung Quốc và đẩy mạnh khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... “Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu là điều rất cấp thiết, nhằm giúp tăng cường nội lực và cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa trong bối cảnh sự hiện diện của các hãng hàng không quốc tế với các điểm đến ở Việt Nam được kỳ vọng tăng mạnh trong năm 2023”, bà Hồ Ngọc Yến Phương kiến nghị.

Dưới góc nhìn du lịch, theo ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Vinagroup Travel, các quốc gia trên thế giới đang có sự kết hợp chặt chẽ giữa hàng không và du lịch. Sau khi thế giới mở cửa toàn bộ, ngành du lịch được kỳ vọng bùng nổ sẽ là cơ hội cho ngành hàng không phục hồi. Dẫn chứng từ Thái Lan, ông Trần Thanh Vũ cho hay, chính phủ nước này đã phê chuẩn mục tiêu doanh thu khoảng 65 tỷ USD của Tổng cục Du lịch và các chiến lược cho năm 2023 nhằm hồi sinh ngành du lịch. Các hãng hàng không Thái Lan cũng không đứng ngoài cuộc mà đẩy mạnh kết nối, đưa khách từ các nước trong khu vực và trên thế giới đến với Thái Lan, cùng nhiều chính sách ưu đãi cho các đoàn khách lớn. Nhờ vậy đã tạo ra giá tour cạnh tranh, thu hút du khách nhiều hơn, ngành hàng không cùng được hưởng lợi.

Cùng quan điểm, nhiều doanh nghiệp dịch vụ hàng không ở TPHCM cho biết đang tất bật xếp lịch làm việc với các hãng hàng không Trung Quốc để tìm kiếm đối tác, xúc tiến hoạt động đi lại, du lịch… giữa hai quốc gia. Dự tính, từ tháng 3-2023 trở đi, các chuyến bay 2 chiều đi và đến giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ nhộn nhịp hơn. Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4: Hà Nội - Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay/tuần; tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TPHCM với Quảng Châu và Thượng Hải - mỗi đường bay sẽ được Vietnam Airlines khai thác 4 chuyến bay/tuần.

* Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyên Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Viện Kinh tế và quản lý TPHCM: Tăng cường quản trị nội bộ để phục vụ tốt hơn

Các hãng hàng không cần có chiến lược kinh doanh bền vững, khả thi sau đại dịch Covid-19, thay cho những hợp đồng thu lợi tầm ngắn, đặc biệt cần có những số liệu thống kê đáng tin cậy để làm căn cứ đưa ra những quyết sách đúng đắn. Bởi vì hiện nay, nhiều con số thống kê chỉ mang tính "làm màu". Điển hình như số liệu thống kê của ngành du lịch vừa qua, khi mỗi địa phương công bố một số liệu khách đến và phương pháp thống kê khác nhau. Ngoài ra, ngành hàng không cần tăng cường quản trị nội bộ để phục vụ hành khách tốt hơn, nhằm cạnh tranh với các hãng hàng không trên thế giới.

* Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế: Dự báo để chủ động vượt khó

Đối với giải pháp quản lý để tiết giảm chi phí như trong các lĩnh vực sản xuất khác, theo tôi không tác động nhiều. Đó là lý do nhiều hãng hàng không lớn, có tiềm lực mạnh vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để cắt lỗ. Đặc biệt, phải nhấn mạnh rằng tính dự báo rất quan trọng. Tức là, thay vì nghĩ đến việc làm sao cắt lỗ thì cần dự báo được bao giờ thị trường phục hồi theo như kịch bản đặt ra. Với những dự báo ứng với từng kịch bản phục hồi thì cần nguồn tài chính bao nhiêu để "chịu đựng" được, từ đó doanh nghiệp thu xếp nguồn tài chính phù hợp. Các giải pháp này được xem là chủ động để doanh nghiệp "chịu đựng" trong giai đoạn thị trường suy thoái nhất thời.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, thông tin, sở đã có công văn gửi Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu đối với hãng này do Vietnam Airlines rơi vào tình trạng thua lỗ liên tiếp.

Theo quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của một công ty đại chúng có thể bị hủy niêm yết trong các trường hợp gồm: lỗ 3 năm liền, hoặc tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đã lưu ý Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu nếu tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và vốn chủ sở hữu là số âm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm