Quy mô ngành điện tử, bán dẫn đang ngày càng gia tăng cùng với đó là sự cạnh tranh của các nước trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Custom Market Insights, quy mô thị trường chip bán dẫn toàn cầu được định giá khoảng 580 tỷ USD vào năm 2022 và ước đạt 634,5 tỷ USD vào năm 2023. Dự kiến đến năm 2030, doanh thu toàn thị trường chip bán dẫn đạt trên 1.000 tỷ USD.
"Chính sự hấp dẫn về lợi ích này đã tạo ra cuộc cạnh tranh sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn", Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024” diễn ra ngày 26/3.
Theo ông, các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn, nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới.
Việt Nam đã chuẩn bị gì?
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, lĩnh vực sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được Lãnh đạo Chính phủ, Các bộ, ngành rất quan tâm. Chính phủ đã giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Hiện Bộ KH&ĐT đang khẩn trương triển khai Đề án này và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với 8 lĩnh vực phát triển trọng tâm của NIC, gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, hydrogen và y tế.
Trong đó đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đã ký hợp tác với hai tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.
Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Hiện Bộ KHĐT đang khẩn trương dự thảo Nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời sắp tới.
Đại diện bộ KH&ĐT cũng cho hay các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được đảm bảo sẵn sàng.
Thứ nhất là hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn.
Thứ hai, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường. Ngoài ra, các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn.
Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam có quyết tâm nhưng chính sách chưa hấp dẫn
Trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề Diễn đàn trên, ông Ko Tae Yeon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã có chiến lược rất rõ ràng về đối tượng và mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng những chính sách ưu đãi vẫn chưa thực sự hấp dẫn.
Chính phủ nên xem xét vấn đề này rất nghiêm túc, đặc biệt trước vấn đề tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao rất cần được chú trọng. Ông đưa ra ví dụ như chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đào tạo lao động của Chính phủ Hàn Quốc.
Từ góc độ nhà đầu tư, người đứng đầu dự án Heesung Electronics chia sẻ ban đầu họ phải mất hơn một năm để chọn quốc gia. Vào thời điểm đó, Heesung Electronics đã phân tích những ưu và nhược điểm giữa các nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar.
"Chúng tôi so sánh dân số, chính sách của chính phủ, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng và thấy rõ rằng Việt Nam chính là nơi lý tưởng. Và tôi biết rằng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác hiện cũng đang thực hiện loại nghiên cứu khả thi tương tự như vậy", ông Ko Tae Yeon nói.
Ông cũng đánh giá, trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, vì vậy, sẽ có nhiều cơ hội ở đây.
Tuy nhiên, để đón được làn sóng dịch chuyển này, Chính phủ Việt Nam cần lưu ý hơn đến tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, đặc biệt là đối với sinh viên trẻ, nhưng cơ chế này vẫn chưa đủ mạnh. Chính phủ phải quan tâm hỗ trợ các kỹ sư trẻ, đặc biệt là nên hỗ trợ các trường đại học đang nỗ lực tuyển dụng và đào tạo kỹ sư, chẳng hạn như cấp học bổng bốn năm cho kỹ sư.
Ngoài đào tạo, Chính phủ cần tiếp tục cải cách chính sách và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nhà tài trợ nước ngoài đưa vốn vào trong nước.
Khuyến nghị với Việt Nam, người đứng đầu Heesung Electronics cho rằng thế hệ trẻ cần được khuyến khích tìm hiểu về kinh doanh nhiều hơn. Tương lai của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thế hệ trẻ, vậy nếu họ không có tư duy toàn cầu và kiến thức kinh tế thì làm sao họ có thể đưa ngành sản xuất phát triển?
Ông nhìn nhận về ý kiến cho rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa chia sẻ đầy đủ về công nghệ là không đúng.