Sáng 27-3, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp tháo gỡ vướng mắc 10 dự án điện gió, tổng công suất 394MW, đang đầu tư, xây dựng. Hai vướng mắc lớn nhất là người dân yêu cầu giá bồi thường cao ngất ngưởng và chưa có khung giá điện mới.
Dân đòi giá đền bù 10 tỉ đồng/ha
Ông Nguyễn Thế Hùng - phó giám đốc Công ty cổ phần điện gió LIG Hướng Hóa 1 (48MW) - cho hay các nhà thầu, tư vấn giám sát rút khỏi công trường, công ty tạm dừng đặt hàng vì tiến độ giải phóng mặt bằng chậm.
"Việc bắt kịp tiến độ theo gia hạn điều chỉnh đầu tư lần 2 đến tháng 4-2025 là thách thức vô cùng to lớn. Doanh nghiệp cố gắng đưa ra mức giá đền bù cao lên đến 800 triệu đồng/ha, có tài sản trên đất là 1,2 - 1,4 tỉ đồng/ha, không hề thấp", ông Hùng cho hay.
Tuy nhiên, người dân yêu cầu đền bù vượt khung cao vài chục lần so với quy định của tỉnh Quảng Trị mà không đưa ra được cơ sở đền bù khiến vượt quá khả năng chi trả của công ty.
Tương tự, dự án TNC Quảng Trị 1 và TNC Quảng Trị 2 cũng bị người dân đưa ra giá đền bù rất cao, từ 2 - 10 tỉ đồng/ha. Mức giá đền bù phi lý khiến công ty không thể đền bù.
Ngoài ra, các dự án còn gặp khó khi khung chính sách thay đổi. Dự án Tân Hợp cho rằng vận hành giá điện tạm (50% giá trần) sẽ khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân hàng.
Các dự án Hướng Linh 5 và Hướng Hiệp 2, Hướng Hiệp 3 đề xuất Bộ Công Thương sớm ban hành khung giá điện để nhà đầu tư có cơ sở đàm phán vay vốn.
Điện gió "câu giờ" chờ giá
Bà Lê Thị Thương - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - thông tin 10 dự án cơ bản chậm tiến độ. Một số dự án đã nộp hồ sơ và được sở trình UBND tỉnh chấp thuận giãn tiến độ, có dự án xin điều chỉnh tiến độ đến 46 tháng.
Ông Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay năm 2022 tỉnh đã thành công khi có 20 dự án đi vào hoạt động, điểm sáng trong kêu gọi đầu tư.
Việc người dân đòi giá đền bù cao là do ảnh hưởng của các dự án chạy tiến độ giá FIT cuối năm 2021 nên đã chi trả mạnh tay, để lại tiền lệ xấu.
Ông Đồng giao Sở Công Thương tham mưu, lập tổ tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng cho các dự án điện gió, do phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao hỗ trợ thủ tục thay đổi chủ trương đầu tư, giãn tiến độ cho các dự án.
"Chính sách đang gián đoạn, tỉnh nhiều lần kiến nghị sớm đưa cơ chế giá để ổn định môi trường đầu tư, an ninh năng lượng", ông Đồng nói.
"Nhà đầu tư chảy nước mắt vì lãi suất cao trong khi khung giá chưa có, chủ trương đầu tư đã phê duyệt, tiền ký quỹ đảm bảo đầu tư đã nộp nên trách nhiệm tỉnh là tháo gỡ khó khăn. Nhà đầu tư thành công, tỉnh thành công", ông Hà Sỹ Đồng nói.