Tài chính

‘Ngân hàng vẫn cho vay với những dự án khả thi, dù lớn hay nhỏ’

Phía ngân hàng khẳng định vẫn sẽ ưu tiên cho vay đối những những dự án tốt, chủ đầu tư uy tín. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Tại tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định, NHNN chưa có văn bản nào chỉ đạo việc siết tín dụng hay chặn tín dụng bất động sản. 

Lãnh đạo NHNN cho rằng, vốn tín dụng ngân hàng đúng là rất quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, bản chất bất động sản là đầu tư dài hạn, do đó, việc dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ khiến ngành ngân hàng đứng trước nguy cơ rủi ro thanh khoản rất lớn. 

Ông Tú lấy ví dụ, nếu cách đây 10 năm, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ có 15 – 20% như một số nước thì sẽ không có thị trường bất động sản như những năm qua. Trong khi thời điểm đó, thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu chưa phát triển mạnh. 

“Tất cả những nguồn lực để cho vay trung và dài hạn trong nền kinh tế những năm qua là ngành ngân hàng phải gánh. Nhưng nếu cứ gánh thế này thì thị trường vốn trung và dài hạn sẽ chậm phát triển, do đó ngân hàng phải rút dần, nếu rút ngay sẽ lại khó cho doanh nghiệp. Đợt dịch COVID-19 vừa qua NHNN đã hai lần tạm hoãn việc siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn”, ông Tú nói. 

Đại diện NHNN cũng cho rằng, bài học từ cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra ở Mỹ giai đoạn 2007-2008 và giai đoạn đóng băng thị trường bất động sản năm 2009 - 2012 vẫn còn đó. Sau khi bong bóng bất động sản xẹp xuống, 10 năm sau ngân hàng xử lý nợ xấu chưa hết.

“NHNN chỉ quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng khi cho vay lĩnh vực bất động sản đối với những trường hợp kinh doanh đầu cơ, những dự án thuộc phân khúc giá trị lớn. Bởi nếu doanh nghiệp mất thanh khoản, không trả được sẽ để lại nợ xấu. Chưa kể, việc tập trung vốn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng lũng đoạn, đầu cơ, thổi giá,… tạo ra những hiện tượng nóng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, đối với những dự án khả thi, hiệu quả thì dù lớn hay nhỏ đều được các ngân hàng thương mại xem xét quyết định cho vay. NHNN không khống chế điều này. Với những dự án giá trị lớn, NHNN kiểm soát rủi ro bằng các quy định về hạn mức, quy định tỷ lệ mà các ngân hàng thương mại được phép tham gia. Vì khi ngân hàng tham gia cho vay quá lớn, trong khi lại dùng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì rủi ro dứt khoát sẽ xảy ra. 

Theo số liệu của NHNN, tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ tín dụng bất động sản là 2,88 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản với các dự án đầu tư khoảng hơn 700.000 tỷ đồng; còn lại khoảng 1,5 triệu đồng nằm ở đối tượng cho vay là nhà ở xã hội, người nghèo, nhà ở thương mại,... Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản tính đến cuối tháng 4/2022 là 10,19%.

Ông Tú cho rằng, với tốc độ cho vay bất động sản vẫn tăng thì không thể nói ngân hàng siết tín dụng vào lĩnh vực này. Còn nếu các doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận tín dụng thì nên cùng với ngân hàng thương mại phải thẳng thắn chia sẻ với nhau để tìm cách gỡ vướng,…

Tại sao vốn vào bất động sản chỉ có mỗi ngân hàng?

Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, vốn ngân hàng chỉ là một trong những nguồn vốn để đầu tư vào nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản. Và thị trường bất động sản là thị trường đầu tư vốn dài hạn. 

Ông Hùng lấy ví dụ, vụ việc Evergrande ở Trung Quốc vỡ nợ là do không có đủ khả năng trả nợ trái phiếu chứ không phải là không có khả năng trả nợ ngân hàng. Do đó, với đầu tư bất động sản phải nhìn sang lĩnh vực vốn trước, sau đó mới đến ngân hàng.

Vị này cho biết, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tính đến nay là hơn 2,88 triệu tỷ đồng, chưa nói đến 30 ngành nghề liên quan đến bất động sản như sắt, thép, xi măng, gạch, ngói,… thì tổng dư nợ rất lớn. 

“Bất động sản là một ngành nghề có rất nhiều lĩnh vực liên quan đến và ảnh hưởng rất lớn. Nhưng tại sao vốn đầu tư vào ngành này lại chỉ có mỗi ngân hàng? Thị trường vốn 10 năm nay phát triển đến đâu, tập trung vào bất động sản như thế nào? Tại sao bây giờ thị trường khó khăn về vốn lại quay sang nói do ngân hàng siết và phải khơi thông? Tôi cho rằng đây là một vấn đề cần phải xem lại”, ông Hùng đặt vấn đề.

Lãnh đạo VNBA cho rằng, thị trường tiền tệ chỉ phục vụ cho vốn ngắn hạn và trung hạn, còn dài hạn phải là thị trường vốn. Tất cả những doanh nghiệp nào định đầu tư dài hạn phải quan tâm đến thị trường vốn, gồm trái phiếu, chứng khoán, quỹ đầu tư nước ngoài,… 

“Chúng ta đang nói đến việc khơi thông dòng vốn nhưng giá nhà đang từ 100 triệu lên 300 triệu thì phải đặt câu hỏi liệu có giá ảo không, liệu có bị đẩy giá không, xử lý như thế nào,…? Khi đó, ngân hàng cho vay 50% là 50 triệu, nhưng bây giờ cho vay 50% là 150 triệu, liệu có rủi ro không và khi giá xuống thì rủi ro ai chịu? Đây là một ví dụ để thấy được cái khó của ngành ngân hàng”, ông Hùng nói.

Do đó, theo vị này, khơi thông không phải ở chỗ từ vốn ngân hàng mà thực tế, các dự án đủ điều kiện đủ pháp lý các ngân hàng đều cho vay. Cả hệ thống ngân hàng thương mại, không một ngân hàng nào không muốn cho một doanh nghiệp có uy tín và hoạt động hiệu quả vay vốn. Và cũng không có một ngân hàng nào thấy hồ sơ đầy đủ pháp lý mà lại không cho vay. 

Bên cạnh đó, 70% tài sản đảm bảo trong các tổ chức tín dụng là bất động sản. Không có ngân hàng nào dại mà để tín dụng bất động sản đi xuống rồi gặp khó khăn trong vấn đề thu hồi nợ. 

Ông Hùng kiến nghị cần phải có một thị trường tài chính kết hợp giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Trong đó, với thị trường tiền tệ, ngành ngân hàng đã ban hành rất nhiều cơ chế. Do đó, thị trường vốn cũng cần phải hoàn thiện và được chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần phải phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề cơ chế, chính sách,…  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm