Một loạt ngân hàng vừa công bố kế hoạch họp đại hội cổ đông thường niên 2022 với nội dung chính tiếp tục xoay quanh vấn đề phân phối lợi nhuận và tăng vốn.
Năm 2022, VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo Quy định của Pháp luật.
Trong cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 4 tới đây, ACB cũng có phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu. Kế hoạch cụ thể chưa được công bố nhưng trong năm 2020 và 2021 nhà băng này đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ lần lượt 30% và 25%.
Tại MSB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức trong năm nay với tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu.
Năm 2022, OCB dự kiến duy trì mức cổ tức từ 20% - 25% cho cổ đông. Tuy nhiên, các mục tiêu này vẫn đang được Hội đồng quản trị cân nhắc trước khi trình cổ đông trong kỳ trong kỳ đại hội cổ đông thường niên thời gian tới.
Sau hai năm trả cổ tức bằng cổ phiếu liên tiếp theo tỷ lệ 10% và 10,5%, SHB tiếp tục có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15%.
Bên cạnh các ngân hàng có lịch sử chi trả cổ tức thường xuyên, tại đại hội cổ đông thường niên 2021 mới tổ chức thành công gần đây, ban lãnh đạo Eximbank cũng lần đầu tiên đề xuất chia cổ tức khoảng 18% sau 8 năm dồn lực xử lý nợ xấu.
Nhiều ngân hàng đẩy mạnh chia cổ tức với tỷ lệ tương đối cao trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2021 tiếp tục tăng trưởng tốt dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.
Mặt khác, việc trả cổ tức cổ bằng cổ phiếu cũng nhằm tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trong việc tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đây là năm thứ ba liên tiếp NHNN yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Trong năm 2021, cơ quan này cũng đã ra chỉ thị tương tự, yêu cầu các ngân hàng chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Chia cổ tức cổ phiếu không chỉ giúp các ngân hàng có nguồn lực hỗ trợ khách hàng mà còn hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, Basel III. Đây cũng là phương thức thường xuyên được NHNN khuyến nghị các nhà băng thực hiện nhằm nâng cao tiềm lực tài chính, kể cả các nhà băng quy mô lớn.
Về phía nhà đầu tư, hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu được đón nhận hào hứng những năm gần đây trong bối cảnh thị trường thuận lợi, giá cổ phiếu thường có xu hướng phục hồi lại vùng trước khi chia chỉ sau đó vài tháng.
Ông Nguyễn Quang Trung, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, từ đầu năm, ông cùng với một số người bạn đã mua vào cổ phiếu của các ngân hàng VIB.
Ngoài kỳ vọng giá cổ phiếu tăng trưởng khi lợi nhuận của ngành ngân hàng đang khởi sắc, ông Trung còn chờ đợi được chia cổ tức bằng cổ phiếu, bởi các năm gần đây, ngân hàng này đều chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao.
"Nếu ngân hàng chia cổ tức 35% bằng tiền thì một nhà đầu tư sở hữu 10.000 cổ phiếu chỉ được nhận 35 triệu đồng, trong khi nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu, tôi có thêm 3.500 cổ phiếu. Giá cổ phiếu này rất ít khả năng giảm về mệnh giá và thông thường sẽ tăng trở lại mức trước chia trong vài tháng sau đó. Vì vậy, tôi cảm thấy mình có lợi hơn khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu khi thị trường vẫn trong xu hướng uptrend’’, ông Trung nhẩm tính.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, việc ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có xu hướng đầu tư dài hạn.
Dữ liệu giao dịch từ HoSE cho thấy, thời gian gần đây, khối ngoại rất tích cực mua ròng các cổ phiếu vốn có lịch sử trả cổ tức cao trong những năm trước như VIB, CTG hay OCB.
Cụ thể, tính từ đầu tháng 2 tới nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 505.000 cổ phiếu VIB đưa tỷ lệ sở hữu lên sát trần. Cùng trong thời gian trên, gần 1,3 triệu cổ phiếu CTG và 660.000 cổ phiếu OCB.
Trước đó, nhiều chuyên gia phân phân tích đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài đã đưa ra quan điểm tích cực về nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022.
Chia sẻ tại talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng" do VIB và SSI tổ chức cuối năm 2021, bà Phạm Thùy Dương – Phó Giám đốc Bộ phận Phân tích, Dragon Capital cho biết quỹ ngoại này đang phân bổ đầu tư cho nhóm ngành ngân hàng cao hơn tỷ trọng của nhóm ngân hàng trong rổ chỉ số VN-Index do tự tin vào tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngành này.
Theo bà Dương, tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn còn rất hấp dẫn nhờ vào tăng trưởng tín dụng ở mức cao, đặc biệt là phân khúc khách hàng bán lẻ, nhất là khi nền kinh tế quay trở lại ổn định sau giãn cách xã hội. Hơn nữa, nguồn thu nhập của ngân hàng ngày càng trở nên đa dạng hơn, không chỉ đến từ cho vay mà còn đến từ nguồn thu phí dịch vụ với sản phẩm ngày càng trở nên đa dạng, phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của nhóm khách hàng bán lẻ.