Theo báo cáo của FiinRatings về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu sơ cấp trong tháng 6/2025 ghi nhận quy mô phát hành lên tới 105,5 nghìn tỷ đồng (tăng 52,4% so với tháng trước), trong đó 100% là phát hành riêng lẻ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị phát hành của thị trường đạt 248,6 nghìn tỷ đồng (tăng 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái), với 76,3% giá trị phát hành đến từ các ngân hàng.
Theo ước tính của FiinRatings, với tốc độ này, tổng giá trị huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 sẽ đạt trên nửa triệu tỷ đồng - tức chỉ thấp hơn mức đỉnh năm 2021, khi tổng giá trị huy động đạt hơn 700 nghìn tỷ đồng.
Việc các ngân hàng chiếm phần lớn với 76,3% tổng giá trị phát hành nửa đầu năm 2025, tức 189,7 nghìn tỷ đồng, cho thấy các nhà băng đang tìm kiếm vốn cấp 2 thông qua kênh trái phiếu để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2025, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng ở mức đáng ghi nhận đã làm tăng nhu cầu tăng vốn cấp 2 của các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn.
Điều này cũng phản ánh thực tế lượng tiền gửi vào hệ thống các tổ chức tín dụng đang chững lại, một phần do chủ trương giữ lãi suất huy động thấp, trong khi các ngân hàng vẫn phải duy trì đảm bảo tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi và hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Với 76,3% giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp thuộc về các ngân hàng, 23,7% giá trị huy động còn lại - tương đương khoảng 58,9 nghìn tỷ đồng, thuộc về các ngành khác.
Trong đó, trái phiếu bất động sản chiếm khoảng 67,3%, ở mức 39,6 nghìn tỷ đồng. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý giúp cho việc tiếp cận tín dụng và huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp khả thi hơn. Đây có lẽ là dấu hiệu tích cực cho ngành bất động sản, qua đó kiểm soát rủi ro nợ xấu của ngân hàng thương mại
Lãi suất huy động trái phiếu giảm đáng kể, từ mức bình quân 7,43% về 6,69%/năm (bình quân của tất cả kỳ hạn và các loại trái phiếu). 64% giá trị trái phiếu được phát hành với cơ chế lãi suất cố định, 22% theo phương thức thả nổi (neo theo lãi suất huy động tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh), còn lại là lãi suất kết hợp.
Đối với thị trường thứ cấp, báo cáo cho biết giao dịch thứ cấp cả tháng 6/2025 đạt gần 137,1 nghìn tỷ đồng ở cả phát hành riêng lẻ và công chúng, giá trị giao dịch trung bình ngày tăng 13,4% so với tháng trước, ở mức 6.530 tỷ đồng/ngày.
Nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm đa số, với gần 71% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
6 tháng đầu năm, thanh khoản đã sôi động trở lại, trong khi giá trị giao dịch của nhóm ngân hàng không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhóm bất động sản bật tăng 37,6% về giá trị.
Theo báo cáo, thị trường thứ cấp trong tháng 6 ghi nhận thêm 4.500 tỷ đồng trái phiếu có vấn đề từ các doanh nghiệp, nâng tổng giá trị nợ trái phiếu có vấn đề lên 23.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm (giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong đó, 45,8% giá trị trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề đến từ nhóm ngành bất động sản, 16,4% từ ngành sản xuất, 8,7% từ ngành xây dựng và 28,6% còn lại đến từ các lĩnh vực khác.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi đi vào hiệu lực từ 1/7 yêu cầu hệ số nợ/ vốn chủ sở hữu (bao gồm cả giá trị lô trái phiếu dự kiến phát hành) phải không được cao hơn 5 lần khi một doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ. Quy định pháp lý mới sẽ hạn chế các tổ chức phát hành trái phiếu là các doanh nghiệp hoặc công ty dự án có mức đòn bẩy tài chính quá cao; đồng thời, giúp một số trường hợp sẽ dịch chuyển sang kênh chào bán đại chúng. |