Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới về điểm số khi kết phiên 25/7, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.531,13 điểm, tăng 10,11 điểm (+0,7%) so với phiên liền trước. Kỷ lục đóng cửa trước đó là 1.528,57 điểm thiết lập vào ngày 6/1/2022.
Cùng với đà tăng về điểm số, thanh khoản sàn HoSE cũng tăng đáng kể so với phiên liền trước lên mức 37.406 tỷ đồng.
Trong ngày chỉ số VN-Index thiết lập mức đỉnh lịch sử mới, mã cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn GELEX do thiếu gia Nguyễn Văn Tuấn giữ vị trí Tổng giám đốc có phiên giao dịch tích cực với mức tăng kịch trần để đóng cửa ở mức 53.500đ/cổ phiếu. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của mã cổ phiếu này, ghi nhận mức tăng tới hơn 26,17%.

Khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Nguyễn Văn Tuấn tăng mạnh từ đầu năm 2025 - Ảnh GEX
Cùng với đà tăng về thị giá, thanh khoản của GEX cũng tăng mạnh so với phiên liền trước với hơn 19,35 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay với giá trị giao dịch đạt hơn 1.021 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm 2025, cổ phiếu GEX đã ghi nhận mức tăng hơn 180% khi tăng từ mức giá 19.100đ/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024 lên mức 53.500đ/cổ phiếu ở phiên giao dịch ngày 25/5. Đây là mức tăng thuộc nhóm những cổ phiếu tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu GEX thời gian qua không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông. Mức tăng ấn tượng này còn giúp khối tài sản của ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng giám đốc doanh nghiệp ghi nhận mức tăng mạnh.
Cụ thể, thiếu gia 41 tuổi đang trực tiếp nắm giữ hơn 213 triệu cổ phiếu GEX, tương đương tỷ lệ nắm giữ chiếm 23,63% cổ phần doanh nghiệp. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 25/7, ông Nguyễn Văn Tuấn đang nắm giữ khối tài sản tại GEX trị giá hơn 11.407 tỷ đồng.
Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Tuấn còn đang trực tiếp nắm giữ 600.000 cổ phần GEE của CTCP Điện lực Gelex. Với giá kết phiên giao dịch 25/7 ở mức 123.000đ/cổ phiếu, khối tài sản của thiếu gia 41 tuổi tại doanh nghiệp này có giá trị gần 89 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, ông Nguyễn Văn Tuấn đang trực tiếp nắm trong tay khối tài sản trị giá hơn 11.496 tỷ đồng.
Với khối tài sản này, Tổng giám đốc của GEX và GEE đã vượt qua một loạt đại gia kỳ cựu như Ngô Chí Dũng của VPB, Nguyễn Văn Đạt của PDR, Nguyễn Duy Hưng của SSI, Đỗ Hữu Hạ của TCH, Hồ Xuân Năng của VCS để lọt Top 14 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cùng với đà tăng mạnh của cổ phiếu, mới đây, CTCP Tập đoàn GELEX của đại gia Nguyễn Văn Tuấn cũng đã công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2/2025.
Cụ thể, trong quý 2/2025 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 10.131 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng doanh thu tiếp tục đến từ lĩnh vực thiết bị điện khi thu về 6.518 tỷ, tăng 25% và chiếm tỷ trọng 64% tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn.
Các mảng kinh doanh còn lại của GELEX cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong quý gần nhất. Trong đó, lĩnh vực vật liệu xây dựng tăng 11%, đạt 2.149 tỷ đồng; mảng khu công nghiệp và bất động sản đạt 1.015 tỷ, tăng 37%; trong khi lĩnh vực hạ tầng tiện ích cũng mang lại 343 tỷ, tăng 17%.
Sau khi khấu trừ các chi phí và thuế, GELEX lãi trước thuế 1.553 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của doanh nghiệp này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, GELEX đạt doanh thu thuần hợp nhất 18.047 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.198 tỷ đồng, tăng lần lượt 21,1% và 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả ấn tượng nêu trên, kết thúc quý 2/2025, GELEX đã hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 72% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản hợp nhất của GELEX đạt 59.261 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 16% lên 26.575 tỷ đồng, chủ yếu do mở rộng đầu tư tài chính ngắn hạn nhằm tận dụng cơ hội thị trường.
Theo thuyết minh báo cáo, tại ngày 30/6, GELEX đang nắm giữ 390 tỷ đồng đầu tư trái phiếu, giảm 10 tỷ so với đầu năm nhưng tăng 300 tỷ so với cuối quý 1. Công ty cũng đầu tư 4.622 tỷ đồng vào kênh chứng khoán dưới dạng đầu tư ngắn hạn.
Ngoài ra, doanh nghiệp có gần 2.000 tỷ đồng là tiền gửi cũng như các kênh đầu tư ngắn hạn khác - tăng mạnh so với mức 519 tỷ đồng hồi đầu năm.
Hàng tồn kho vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của GELEX với giá trị 10.380 tỷ đồng, tương đương 18%. Tại thời điểm kết thúc quý 2, GELEX có 20.119 tỷ đồng nợ vay, trong khi đầu năm là 16.546 tỷ đồng.