Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) trong 4 tháng đầu năm, bảo hiểm liên kết đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đóng góp gần 70% doanh thu khai thác mới của ngành bảo hiểm nhân thọ. Xét theo số lượng, sản phẩm này chiếm hơn một nửa lượng hợp đồng mở bán mới trong bốn tháng qua, với hơn 268.453 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm.
Tuy nhiên, doanh thu khai thác mới của sản phẩm này giảm mạnh 42,1% xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.
Sau thời gian tăng trưởng liên tục, cuộc khủng hoảng lớn của ngành bảo hiểm năm ngoái khiến sản phẩm này ngày càng khó bán.
Vào giai đoạn Covid-19, bảo hiểm liên kết từng trải qua đợt tăng nóng khi lãi suất liên tục "dò đáy" cộng với sự bành trướng của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Năm 2022, bảo hiểm liên kết đầu tư đơn tăng 57% so với 2021, đạt trên 747.000 hợp đồng, doanh thu phí đạt khoảng 21.700 tỷ đồng, tăng trên 31%. Hay năm 2021, trong hơn 3,5 triệu hợp đồng được mở mới, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 56,67% tăng 1,95% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm.
Về bản chất, bảo hiểm liên kết đầu tư là loại hình bảo hiểm bao hàm hai yếu tố: bảo vệ tài chính trước các rủi ro và đầu tư sinh lợi nhuận. Hiện nay, có hai loại bảo hiểm liên kết đầu tư là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị. Hai sản phẩm này giống nhau ở phần phí bảo hiểm, nhưng phần đầu tư có sự khác biệt.
Nếu hiểu rõ bản chất của sản phẩm này, bảo hiểm liên kết đầu tư ở khía cạnh nào đó vẫn mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng bảo hiểm. Tuy nhiên, cách bán tràn lan, lập lờ thông tin sản phẩm, không tư vấn về rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải khiến sản phẩm này mất điểm trong mắt người tham gia bảo hiểm.
Song khi bảo hiểm liên kết đầu tư bớt nóng, các doanh nghiệp năm nay đẩy mạnh hơn các sản phẩm truyền thống như bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm tử kỳ. 4 tháng đầu năm, doanh số bán mới của bảo hiểm hỗn hợp tăng mạnh 255% lên 588.000 tỷ, bảo hiểm tử kỳ cũng tăng hơn 65% lên 465.000 tỷ đồng.