Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày hôm nay (03/7), và trở thành ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất huy động trong tháng 7 với mức điều chỉnh 0,1%/năm tại các kỳ hạn từ 1 đến 13 tháng.
Cụ thể, tại sản phẩm tiết kiệm An Phú theo hình thức gửi tiền online, kỳ hạn 1 tháng có lãi suất huy động ở mức 3,7%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 3,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 4%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 4,1%/năm, và kỳ hạn 5 tháng là 4,2%/năm.
NCB tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên trên mức 5%/năm, hiện tại đang ở mức 5,35%/năm. Các kỳ hạn khác như 7 tháng có lãi suất 5,4%/năm, 8 tháng là 5,45%/năm, 9 tháng là 5,55%/năm, và 10 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 11 và 12 tháng được áp dụng lãi suất lần lượt là 5,65%/năm và 5,7%/năm. Với mức điều chỉnh này, NCB tiếp tục là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động dưới 12 tháng cao nhất hệ thống.
Lãi suất kỳ hạn 13 tháng cũng tăng lên 5,8%/năm, tương đương với lãi suất niêm yết cho kỳ hạn 15 tháng.
Trong khi đó, NCB giữ nguyên lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 15 đến 60 tháng. Với mức lãi suất cao nhất 6,1%/năm được áp dụng cho các khoản tiền gửi 18 – 60 tháng. Đây cũng là mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất nhì trên thị trường hiện nay (không tính các khoản tiền gửi có số tiền lớn đặc biệt).
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tiếp tục nối dài trong tháng 6. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.
Trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB, SHB, VietinBank. Trong đó, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất 2 – 3 lần trong tháng 6.
Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Lãi suất huy động được dự báo sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm, song mức tăng sẽ không lớn khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến.