Cách đây chưa lâu, Nga đã ban hành lệnh cho phép sử dụng các sản phẩm trí tuệ từ các nước "không thân thiện" mà không cần xin phép hay phải chi trả bất kỳ khoản tiền bản quyền nào, như một động thái để để đáp trả phương Tây.
Các chuyên gia cho biết rằng lệnh này sẽ có những ảnh hưởng khác nhau tùy theo từng công ty, tùy thuộc vào việc công ty đó có sở hữu bằng sáng chế có giá trị ở Nga hay không.
Đã từ lâu, chính phủ Mỹ đã đưa ra các cảnh báo về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nước. Theo danh sách công bố các quốc gia cần được “quan tâm đặc biệt”, Nga đứng thứ 9 vì đã từng bị cáo buộc cố tình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Một cửa hàng McDonald's tại Nga.
Kể từ khi luật mới về “quyền sở hữu trí tuệ” được ban hành tại Nga, các tổ chức và các nhân có thể tránh khỏi việc phải bồi thường do sử dụng các sản phẩm trí tuệ của các nước mà Nga đang phải “đối đầu”.
Josh Gerben, một luật sư chuyên về quyền sở hữu trí tuệ tại bang Washington, Mỹ, cho biết rằng việc Nga ban hành luật mới có thể tác động nặng nề đến các công ty hoặc các nguồn vốn đầu tư phương Tây vào Nga. Từ trước đến nay, các công ty hoạt động tại Nga đều lo lắng về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ bởi có nhiều lời đồn rằng Nga có nhiều tin tặc. Vì lý do này, các công ty này càng trở nên e ngại.
Luật sư Josh Gerben nói: “Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy Tổng thống Putin đã làm thay đổi quan hệ giữa Nga với các nước khác mãi mãi”.
Luật sư Josh Gerben cũng cho biết rằng điều này sẽ mở đường cho các công ty bản xứ Nga khai thác các nhãn hiệu, các thương hiệu đã từng hoạt động tại Nga trước đây. Ví dụ như McDonald’s, một trong những gã khổng lồ trên quy mô toàn cầu, đã phải rút khỏi thị trường Nga sau khi “Chiến dịch đặc biệt” của Nga nổ ra tại Ukraine do sức ép từ phía dư luận.
McDonald's cũng "gặp nạn"
McDonald’s là một trong những công ty Mỹ “tạm dừng” hoạt động tại Nga.
Một số tập đoàn toàn cầu đã hoạt động tại Nga trong nhiều thập kỷ cũng đã rút khỏi thị trường này như: Starbucks, Coca-Cola, PepsiCo, và McDonald’s.
Giám đốc điều hành của McDonald’s, ông Chris Kempczinski, cho biết rằng toàn bộ 850 của hàng đồ ăn nhanh tại Nga đều sẽ “tạm thời” đóng cửa.
“Điều làm nên giá trị thương hiệu của chúng tôi là tính nhân văn. Do vậy, chúng tôi không thể nào làm ngơ trước những gì người dân Ukraine đang phải chịu đựng”.
Giám đốc điều hành của McDonald’s, ông Chris Kempczinski.
Mặc dù đóng cửa, song McDonald’s cũng cam kết rằng sẽ vẫn trả lương cho tổng số 62.000 nhân viên tại Nga. “Thị trường Nga và Ukraine chiếm tới 9% tổng doanh thu toàn cầu của chúng tôi. Việc ‘tạm thời’ đóng cửa sẽ khiến chúng tôi mất khoảng 50 triệu đô mỗi tháng. Nếu như chúng tôi không kịp thời nghĩ ra các biện pháp bảo vệ nhãn hiệu, Nga có thể ‘chiếm’ các nhà hàng của chúng tôi và hoạt động chúng với danh nghĩa McDonald’s mà không có một chút McDonald’s ‘thật’ nào”, ông Gerben cho biết.
Việc Nga loại bỏ các điều luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian chiến tranh không phải là không có tiền lệ trên thế giới. Tạp chí Smithsonian đã đề cập đến công ty Bayer của Đức như một ví dụ. Công ty này đã từng mất bằng sáng chế thuốc aspirin (một loại thuốc giảm đau) tại Mỹ khi chính phủ nước này thu giữ lại tài sản của các công ty đang hoạt động trên phạm vi đất nước trong thời chiến.
McDonald’s là cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh rất được ưa chuộng tại Nga. Nguồn: TD-OSZ.
Nga được lợi gì nếu “chiếm” thương hiệu như McDonald's?
Theo một bản tin thời sự đăng tải trên kênh CBS Mornings ngày 12 tháng 3, các phóng viên đã ghi lại được hình ảnh người dân xếp hàng dài chờ mua những “sản phẩm” cuối cùng của McDonald’s trước khi chuỗi đồ ăn nhanh này chính thức đóng cửa. Thậm chí có người còn mua rất nhiều Hamburger của hãng này về cất trong tủ lạnh để “tích trữ ăn dần”.
Nhiều người đã mua rất nhiều đồ ăn của McDonald's về để tích trữ ăn dần. Nguồn: CBS Morning.
Nhiều người xếp hàng bên ngoài các cửa hàng McDonald's chỉ để thưởng thức lần cuối trước khi các nhà hàng này tạm dừng hoạt động. Nguồn: CBS Morning.
Cảnh tượng này khiến cho nhiều người liên tưởng đến hình ảnh năm 1990, khi mà McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên tại đất nước này.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu như McDonald’s đóng cửa và các công ty tư nhân tại Nga sử dụng thương hiệu McDonald’s để kinh doanh cũng mô hình này, cũng công thức này và cũng mặt hàng này, thì các công ty đó sẽ gặt hái được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong khi đó, về phía McDonald’s thì công ty sẽ mất hoàn toàn thị trường Nga, cũng đồng nghĩa rằng mất luôn một khoản lợi nhuận khổng lồ mỗi tháng.
Theo giám đốc điều hành Chris Kempczinski, mặc dù quyết định đóng cửa chuỗi nhà hàng đã được đưa ra, song trên thực tế, McDonald’s không hoàn toàn biến mất khỏi Nga. Giải thích cho điều này, Chris cho biết rằng do có một số cửa hàng là cửa hàng nhượng quyền, tức là các cửa hàng này không thuộc sở hữu của McDonald’s, phía công ty chỉ cung cấp các nguyên liệu để những nhà hàng này buôn bán. Theo các trang tin tại Nga, những cửa hàng này vẫn họat động bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.
Có một số cửa hàng McDonald’s tại Nga vẫn hoạt động vì là cửa hàng nhượng quyền. Nguồn: TD-OSZ.
Trả lời phỏng vấn tờ Lenta.ru của Moscow, một nhân viên của McDonald’s cho biết rằng cửa hàng ở khu vực nhà ga Moskovsky vẫn hoạt động bình thường và lượng khách còn tăng lên rất nhiều khiến nhiều người phải xếp hàng dài chờ đợi.
Theo công bố bởi McDonald’s các nhà hàng nhượng quyền sẽ phải trả 1,9% trên tổng thu nhập hàng tháng cho tập đoàn. Trước đó, để mở một cửa hàng và được cấp phép hoạt động như một của hàng nhượng quyền bởi tập đoàn, phía McDonald’s đưa ra một loạt những yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo được sản phẩm thương hiệu và hình ảnh của tập đoàn như: Diện tích, nhân viên, bố trí, v.v.
Theo trang TD-OSZ, để sở hữu một cửa hàng nhượng quyền của McDonald’s, người chủ sẽ phải chi trả các khoản như: Vốn ban đầu, tiền bản quyền, chi phí nhượng quyền, chi phí đào tạo, các khoản hỗ trợ truyền thông, marketing, v.v. Tổng chi phí sẽ vào khoảng 1,8 triệu USD.
Chi phí để mở một cửa hàng nhượng quyền McDonald’s rất lớn. Nguồn: TD-OSZ.
Do vậy, nếu như các công ty khác sử dụng McDonald’s làm một thương hiệu tư nhân tại Nga thì các cửa hàng sẽ tiết kiệm được một phần lớn tiền ban đầu và tiền bản quyền hàng tháng.
Theo các chuyên gia kinh tế, hành động này sẽ khiến đồng tiền nội địa được lưu thông mạnh mẽ hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.