Sáng cuối tháng 1, trong căn nhà lọt thỏm giữa màu hồng rực của vườn đào đang mùa bung hoa ở cuối bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, cô nữ sinh 14 tuổi Giàng Thị Mai soi gương chải lại mái tóc dài, tô son rồi nhảy chân sáo ra cổng. Hôm ấy có đám cưới anh họ Mai ở ngay đầu bản. Mai cùng cô bạn hàng xóm hẹn nhau cùng đi chơi.
Xe vừa lăn bánh được vài phút, bảy thanh niên trên ba xe máy rồ ga vượt qua rồi đi chậm lại. Người cao lớn nhất áp sát xe Mai, tán tỉnh: "Đi đám cưới à mà xinh thế? Sang Hang Kia chơi với bọn anh không?". Cô bạn ngồi sau sợ hãi, bám chặt áo Mai, cả hai cùng im lặng. Vài giây sau, một chiếc ôtô vụt lên chặn đầu xe khiến tay lái Mai loạng choạng, ngã xuống đường.
Bảy thanh niên dừng xe, ba người giằng lấy cô bạn, bốn người khác cầm tay, chân, lôi Mai lên ôtô đang mở sẵn cửa. Mai chỉ kịp hét lên ba tiếng "Cứu!", cửa xe đóng sầm. Mọi chuyện diễn ra trong chưa đầy hai phút.
Thiếu nữ Mông hoảng, chưa kịp nhận ra chuyện gì, vừa khóc, vừa hét, tay đập cửa xe. Phứ, gã trêu ghẹo Mai khi nãy ôm ghì không cho cô cựa quậy, nói: "Về nhà anh làm vợ anh". Hai hàng nước mắt rơi dài trong đôi tay thô bạo của người đàn ông xa lạ, Mai không ngờ có ngày, chính mình lại là nạn nhân của câu chuyện thế này.
Nhà Phứ ở đầu bản chỉ cách đám cưới anh họ Mai mấy trăm mét. Trước nay Mai từng thấy Phứ nhưng chưa từng trò chuyện. Xe dừng, kệ tiếng Phứ giục giã, Mai bám chặt ghế, không xuống.
"Em chỉ cần bước một chân vào nhà nó là em thành vợ nó", Mai sau này kể lại, khi đó cố kéo dài thời gian, hy vọng bạn đi báo tin để bố mẹ, đến cứu mình, trước khi Phứ kịp ép cô vào nhà. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Phứ mở cửa xe, kéo tuột Mai vào buồng, cài cửa rồi đi ra nhà ngoài. Vài phút sau, sân nhà Phứ bỗng ồn ào. Qua cửa sổ, Mai thấy bố mẹ và người nhà mình đứng đầy, nên càng khóc lớn, "Bố mẹ cứu con, con không muốn làm vợ người này". Phứ to lớn đứng chống tay, chắn trước cổng, đẩy bố Mai ra ngoài rồi dõng dạc tuyên bố: "Nó ở trong đất nhà tôi, giờ nó là vợ tôi".
Hơn 10 năm dạy ở trường Trung học cơ sở Lóng Luông, cô giáo Vũ Thị Hòa năm nào cũng nhận được đôi ba chiếc thiệp mời của học sinh cả nam lẫn nữ. Có đứa cưới xong thì nghỉ học luôn, đứa nào "tiến bộ lắm" thì cố học nốt năm đó, rồi cũng ở nhà. Cô Hòa bảo mình không bao giờ đi những "đám cưới trẻ con ấy, vì nghĩ vừa thương, vừa giận chúng nó".
Trường của cô nằm ngay mặt đường quốc lộ 6, nhưng hầu hết học sinh của cô đều ở bên kia dãy núi gồ ghề, dựng đứng sau trường, rải rác ở bản Tà Dê, Lũng Xá, những địa danh chỉ mới nghe qua đủ thấy rùng mình vì đó là thủ phủ ma túy.
Nhưng ngay cả khi Lóng Luông bị biến thành "thành lũy" của những ông trùm ma túy, cô Hòa cùng đồng nghiệp vẫn quyết kéo bằng được học trò đến với mình. Lần nào vào bản vận động học trò, thầy cô trường này cũng phải nhờ dăm bảy đứa học sinh đi cùng chỉ để bước vào nhà. Nhiều lần họ gặp những phụ huynh đang say thuốc phiện, đành thất vọng ra về.
Buổi trưa hôm Giàng Thị Mai bị trai bản bắt về làm vợ, cô Hòa một lần nữa bị phụ huynh làm cho thất vọng. Nghe lớp trưởng báo tin, cô Hòa gọi điện ngay cho bố Mai hỏi thăm. Người đàn ông thỏ thẻ trong điện thoại: "Chắc để cháu nó tự về cô giáo ạ. Phong tục người Mông, con gái bị bắt vợ thì phải tự trốn về. Bố mẹ mà đi đòi là sai, xui xẻo lắm".
Cô Hòa cố thuyết phục người cha bằng những lời cô nói đã thuộc cả chục năm nay. "Con bé ít tuổi quá, giờ đang tuổi ăn học. Em biết là phong tục như thế. Nhưng anh đừng vì cái quan niệm đấy mà để lãng phí cuộc đời con gái mình". Người đàn ông 34 tuổi lí nhí "vâng" một câu lấy lệ, rồi tắt máy.
Cô Hòa biết chắc chắn, phụ huynh này sẽ không vì đôi lời của cô mà đứng dậy chống lại cả một phong tục.
Theo Báo cáo thu thập kết quả điều tra kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, 51.5%, nghĩa là cứ hai người Mông, có một người lập gia đình lần đầu khi chưa đủ tuổi (nữ 18 tuổi, nam 20 tuổi).
Tảo hôn đã không còn là câu chuyện gói gọn trong những bản làng xa xôi, hay của một cộng đồng nhỏ bé. World Bank tính toán, đến năm 2030, nạn tảo hôn sẽ khiến các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, phải gánh chịu hàng nghìn tỷ đồng hậu quả, liên quan chi phí y tế, giảm thu nhập và năng suất trên thị trường lao động.
Còn ở dưới mái trường cấp hai Lóng Luông này, những giáo viên như cô Hòa chỉ có nỗi lo duy nhất, học sinh của cô kết hôn sớm, thì chắc chắn sẽ nghỉ học. Các báo cáo quốc gia chứng minh nỗi lo này của thầy cô hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, tỷ lệ tảo hôn càng cao, thì số năm đi học trung bình của dân tộc đó càng thấp.
Trong nhà Phứ tối đó đông nghịt người đến ăn mừng Phứ bắt được vợ đẹp. Mai ở trong bếp, làm tất cả những việc "mẹ chồng" sai, nhưng không nói nửa lời. Đôi mắt chưa ráo lệ nhìn quanh căn nhà, Mai tự nhủ, khi họ không để ý, mình sẽ trốn đi bằng đằng nào, đằng nào.
Xong việc, Mai lại vào buồng đóng cửa nằm khóc, không ăn uống gì dù bụng rỗng không. Nửa đêm, Phứ đẩy cửa bước vào đổ gục xuống giường, phì phò những hơi ám mùi rượu. Mai ngồi bất động trên cái ghế ở góc nhà đến sáng. Mai nghĩ, mình sẽ bị ám ảnh bởi đêm nay đến tận lúc chết.
Mai bảo đời mình như truyện Vợ chồng A Phủ, nhưng "may mắn hơn Mị nhiều", vì ngay chiều hôm sau, cơ hội thoát thân của Mai bất ngờ đến. Mẹ Phứ nghe người báo tin đàn lợn chăn trong bản vừa đi lạc, giục cả gia đình đi tìm. Mai nhân lúc chỉ còn cậu em trai lớp 6 của Phứ ở dưới bếp, mở cổng cắm cổ chạy gần 15 phút mới về đến nhà. Nhìn thấy mẹ đang địu em, ngồi thêu khăn ngoài cửa, Mai chạy đến ôm chặt, hai mẹ con cùng khóc.
Nhưng Phứ cũng vừa đuổi xe máy kịp đến nhà Mai, vẫn định kéo vợ về. Họ hàng của Mai quanh đó kịp chạy sang ngăn lại, bắt Phứ gọi người nhà đến nói chuyện. Trong căn nhà Mai chiều hôm đấy, đôi bên ngồi đối mặt, quyết định "số phận" cuộc hôn nhân của cặp trai gái 19 và 14 tuổi.
"Nó không yêu mày mà mày kéo nó về là mày sai. Nhưng chỗ họ hàng xa, nhà tao sẽ không thưa mày ra pháp luật", bác Mai mắng Phứ. Gã trai tức giận ra về, nhưng Mai cũng không vui vẻ hơn là mấy. Theo tục của người Mông, giờ Mai đã là gái một đời chồng.
Cô Hòa là một trong những người Mai báo tin đầu tiên khi trốn được về nhà, nhưng mấy ngày sau vẫn không thấy học trò mình đến lớp, cô Hòa lại sốt ruột gọi điện hỏi. Mai tâm sự thật, người già trong bản bắt bố mẹ Mai phải dựng cái lều cho Mai ở riêng, làm riêng ăn riêng, vì "con gái trốn nhà chồng về là xui xẻo". Nếu không, phải làm cái lễ cúng ba ngày.
"Thế cúng xong đi học đi nhé. Cô và các bạn vẫn đợi đây", Cô Hòa dặn dò, hai hôm sau thì thấy Mai đến lớp. Cô Hòa nhắc trước với cả lớp không được "đả động" đến chuyện cũ khiến bạn mặc cảm.
Giờ ra chơi, cô gọi Mai ra nói chuyện riêng. "Giờ việc của em là học tốt, để sau này chính em và các bạn có thể thay đổi suy nghĩ của cả một thế hệ". Nhìn cô trò cười tươi gật đầu, cô Hòa yên tâm và tự hào.
Bảy ngày sau, Mai tái hôn với bạn trai cùng tuổi, sống ở xã Hang Kia, (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cách nhà Mai 5 km. Đôi trẻ quen nhau qua mạng xã hội, đã nói yêu được nửa năm.
Biết Mai bị người khác bắt, chàng thiếu niên quyết tâm cưới ngay khi Mai vừa thoát thân. Còn Mai chia sẻ, đó là người mình yêu thật lòng, nên đã tự nguyện lên xe cậu trai này để cùng về nhà, tức là "bắt vợ tự nguyện".
"Đợi mấy năm nữa, lỡ bạn ấy yêu người khác. Với cả, em cũng một đời chồng, để lâu càng không ai muốn lấy", Mai tâm sự.
Giàng A Chứ, 15 tuổi, nam sinh lớp bên cạnh Mai cũng quen vợ mới cưới qua mạng xã hội từ tháng 11/2021. Cô gái 14 tuổi, ở huyện Mai Châu, Hòa Bình, cách Chứ 30 phút chạy xe máy.
Sau hơn một tháng chuyện trò qua mạng, đôi trẻ có cuộc gặp gỡ lần đầu, đúng ngày Tết của người Mông, 1/1/2022. Liền 9 ngày sau, hôm nào Chứ cũng dong xe hơn 20 km đến gặp. Đến ngày thứ 10, thiếu nữ đồng ý theo Chứ về Lóng Luông, làm vợ chồng.
Cũng như Mai, Chứ nói không hối hận về quyết định này, vì đó là người Chứ yêu, "hơn nữa, ông em, bố em, cả anh trai em, cũng lấy vợ năm 14 tuổi". Chứ bảo nhà mình có mấy chục thửa ngô, nhiều bò, lợn, cần nhiều người lao động.
Nhưng trái với suy luận giản đơn, "lập gia đình sớm để có người làm", phổ biến trong các cuộc tảo hôn, thực tế chỉ ra rằng, các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao thì tỷ lệ đói nghèo cũng cao.
Tỷ lệ tảo hôn trong dân tộc thiểu số giảm trung bình hơn 1% mỗi năm, nhưng mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong 5 năm tới vẫn còn dè dặt, ở mức giảm 2-3% trong giai đoạn 2020- 2025. Nhưng ngay cả 70 năm sau khi Tô Hoài viết Vợ chồng A phủ, vẫn có những cô gái như Mai bị bắt làm vợ ở tuổi thiếu niên, thì mục tiêu trên vẫn là một con số khó theo đuổi.
Ngày 30/5, trường THCS Lóng Luông làm lễ bế giảng năm học, buổi bế giảng cuối cùng trong đời học sinh của Chứ. Năm sau, Chứ và vợ mới cưới sẽ nghỉ học giúp việc gia đình.
Đó cũng là lễ bế giảng cuối cùng của Mai. Từ năm sau, Mai sẽ chuyển sang Hang Kia, đi học cùng chồng. Mai bảo, bố mẹ chồng hứa, nếu học được, sẽ cho hai đứa xuống tận Hà Nội học tiếp, "nhưng thi thoảng, nhà người ta vẫn nhắc chuyện chưa có cháu bế".
* Tên nhân vật đã thay đổi