Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về rà soát tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP) và dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài 220 km đã được xác định trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 1/9/2021.
Việc sớm triển khai các dự án thành phần Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, Liên Khương - Prenn và toàn tuyến sẽ hình thành hệ thống giao thông kết nối khu vực Tây nguyên và vùng Đông Nam Bộ.
Tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương với tổng chiều dài 140 km (ngay sau khi Luật đầu tư theo đối tác công tư có hiệu lực).
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hội đồng thẩm định liên ngành trong việc rà soát, giải trình, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án theo quy định pháp luật, bảo đảm đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật, phấn đấu khởi công đoạn Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc trong quý II/2023 và hoàn thành các dự án trong năm 2026.
Hội đồng thẩm định liên ngành khẩn trương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án Đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo hình thức PPP.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ ngành khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để triển khai dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn qua TP Đà Lạt.
Mới đây, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo hình thức đối tác công tư với tổng vốn đầu tư giai đoạn phân kỳ là 16.220 tỷ đồng.
Liên danh các nhà đầu tư được đề xuất tham gia dự án là Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung. Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, dự án giảm tổng vốn để thu hút các nhà đầu tư.
Điểm đầu tuyến đường tại Km60+100 (trùng với điểm cuối cao tốc Dầu Giây – Tân Phú) tại cầu vượt trực thông nút giao quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km126+360 (lý trình đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương), giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 66 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km; đi qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (qua các huyện Đạ Huai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc).