New York tìm "vua chuột"
Theo Hãng tin Bloomberg, Thị trưởng New York (Mỹ) - ông Eric Adams đang tìm kiếm một "Giám đốc giảm thiểu loài gặm nhấm" hay "vua chuột" trong cuộc chiến tiêu diệt loài chuột ở thành phố này. Ứng viên có thể nhận được mức lương dao động 120.000 - 170.000 USD (khoảng 3 - 4 tỉ đồng) một năm.
Công việc này yêu cầu ứng viên tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm về quy hoạch đô thị, quản lý dự án hoặc quản lý hành chính công, thành thạo phần mềm tính toán. Nhưng trên hết, ứng viên phải có động cơ, quyết tâm và bản năng 'sát thủ' cần thiết để chiến đấu với kẻ thù thực sự, đó là đàn chuột.
"Tôi không ghét gì hơn loài chuột. Nếu bạn có quyết tâm cao, hơi 'khát máu', có khả năng tiêu diệt đàn chuột đang không ngừng sinh sôi và tấn công thành phố New York, thì đây sẽ là công việc mơ ước dành cho bạn", Thị trưởng Adams đăng tải trên trang Twitter cá nhân.
Nạn chuột hoành hành tại New York khi chúng xuất hiện tại các trong công viên, vỉa hè và những nơi khác trong thành phố. Ảnh: AP
"Những con chuột ở New York vô cùng xảo quyệt, phàm ăn và sung mãn, chúng còn nổi tiếng với kỹ năng sinh tồn, nhưng bọn chuột không điều hành thành phố này, người nắm quyền quản lý là chúng ta", thị trưởng New York khẳng định.
Kẻ thù đáng sợ của Mỹ
Không chỉ đô thị lớn nhất nước Mỹ là New York mà rất nhiều thành phố khác cũng đang chống chọi với nạn chuột phá hoại do trong đại dịch, nhiều người ở nhà hơn dẫn đến rác thải chất thành đống.
Chúng thường chạy giữa đường tàu điện ngầm, đánh hơi xung quanh thùng rác. Nhiều người đồn đoán số chuột ở New York còn nhiều hơn người, với khoảng 9 triệu con, nhưng một nhà thống kê địa phương bác bỏ thông tin này.
Sean Abreu, nghị viên thành phố New York nói: "Chuột không phải là bạn của chúng ta".
Tiểu thuyết gia người Anh Charles Dickens từng phàn nàn về loài gặm nhấm này khi ông tới New York năm 1842. Một con chuột thậm chí nổi tiếng trên mạng xã hội năm 2015 khi người ta quay được cảnh nó đi xuống cầu thang một ga tàu điện ngầm, tha miếng bánh pizza còn lớn hơn cơ thể nó.
Theo một nghiên cứu mới đây, Chicago là thành phố "bẩn nhất trên thế giới", tiếp theo là New York, Los Angeles, Washington, San Francisco và Philadelphia. Tại New York, số lượng phàn nàn về chuột đã tăng 71% trong năm qua. Đáp lại, chính quyền thành phố đang thay đổi các quy tắc thu gom rác. Chẳng bao lâu nữa, thay vì đổ các túi rác xuống lề đường, mọi người sẽ phải mang chúng ra ngoài hàng giờ trước khi được dọn dẹp.
Jessica Tish, nhân viên vệ sinh thành phố New York thì cho rằng: “Bước đi lớn nhất mà chúng ta có thể thực hiện để dọn dẹp đường phố là ngăn chặn chuột vào ban đêm”.
Các chuyên gia cho biết, biện pháp rõ ràng nhất để kiểm soát chuột là đậy thùng rác càng kín càng tốt. Ngoài ra, không để thức ăn cho vật nuôi ngoài trời, hãy bảo quản trong hộp kín. Các chuyên gia cũng khuyên không nên ăn trong phòng ngủ mà nên ăn ở những nơi được chỉ định trong nhà.
Thành phố Peabody ở Massachusetts đã thực hiện một biện pháp quyết liệt hơn bằng cách lắp đặt cái gọi là hộp thông minh có thể gây điện giật cho chuột. Thành phố cũng đặt bẫy chuột bằng một loại hóa chất ngăn chúng sinh sôi.
Một con chuột chạy qua vỉa hè giữa trời đổ tuyết ở quận Manhattan, New York - Ảnh: Reuters
Cư dân Washington hiện phải đối mặt với khoản tiền phạt nặng nếu phát hiện thấy sự xâm nhập của chuột vào tài sản mà không làm gì (150 USD cho cá nhân và 500 USD cho doanh nghiệp).
Trong quá khứ, hàng nghìn con mèo hoang đã được thả ra đường phố ở Chicago để tìm cách giải quyết vấn đề chuột. Tuy nhiên, do thành phố này vẫn là thành phố có nhiều chuột nhất ở Mỹ nên có thể cần phải xem xét các chiến lược bổ sung.
Giới chức New York đã chi hàng triệu USD để tiêu diệt đàn chuột, triển khai mọi biện pháp từ kiểm soát sinh sản tới thùng rác chống loài gặm nhấm.
Sáng kiến chống chuột gần đây nhất của New York là chương trình trị giá 32 triệu USD được đưa ra vào năm 2017. Công việc bao gồm đặt thêm các thùng rác thép chống chuột và thùng nén rác bằng năng lượng mặt trời. Thành phố cũng đã sử dụng băng phiến để làm những con chuột ngộp thở.
Thị trưởng Bill de Blasio cho biết sáng kiến này nhắm đến 3 khu vực có nhiều chuột nhất của thành phố là khu Grand Concourse của Bronx, Bushwick và Bedford-Stuyvesant ở Brooklyn, và một phần của Manhattan.
Bên cạnh đó, thành phố còn mở "Học viện Chuột", nơi người dân địa phương có thể tới học các biện pháp phòng chống chuột.
Một số dữ liệu cho thấy chương trình đã đạt được mục tiêu giảm hoạt động của chuột ở những khu vực công cộng vào năm 2019.
Tuy nhiên đến nay, lũ chuột vẫn hoành hành. Từ tháng 1 tới tháng 9 năm nay, đường dây nóng của thành phố nhận được hơn 21.500 cuộc gọi báo nhìn thấy chuột, tăng so với 18.000 cuộc cùng kỳ năm ngoái.
Hiện "công việc trong mơ" đang chờ đón ứng viên.