“Đó là một buổi sáng, khi FPT niêm yết trên sàn chứng khoán tại TP. HCM. Hôm đấy, ở FPT đã có 150 người trở thành triệu phú USD. Ngày xưa việc này rất khó”, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến kể lại trong chương trình MoneyTalk số 48 của VTVMoney với chủ đề “1 triệu USD đầu tiên”.
Ông Tiến tính toán 1 triệu USD lúc đó tương đương khoảng 15 tỷ đồng, có thể mua được tới “30 căn hộ đẹp”. Giờ đây, để mua được chừng đó căn hộ cần số tiền lớn hơn rất nhiều. Ông giả sử một căn hộ đẹp bây giờ có giá 5 tỷ đồng, 30 căn hộ sẽ cần 150 tỷ, tức là vượt xa khoản tiền 1 triệu USD.
Theo Chủ tịch FPT Telecom, 2/3 số người có 1 triệu USD đầu tiên ở FPT chọn cách đầu tư vào bất động sản như vậy. 3/4 trong số họ đã nghỉ, không còn làm việc. Tuy nhiên, ông Tiến cho biết mình vẫn lao động 10-16 tiếng mỗi ngày không tính thứ 7 và chủ nhật, như trong suốt 13 năm ông đã làm ở FPT trước khi Tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán.
1 triệu USD được coi là con số tượng trưng cho tự do tài chính, cột mốc cần đạt được trước khi về hưu để có cuộc sống an nhàn, không lo lắng về tiền bạc. Trước trào lưu kiếm được 1 triệu USD thì nghỉ hưu sớm của giới trẻ, ông Tiến cho rằng việc kiếm được khoản tiền này không phải để nghỉ hưu, mà để làm được những điều mơ ước từ bé.
“Hồi bé tôi có ước mơ trở thành phi công. Mỗi lần máy bay bay qua Hà Nội, tôi lại chạy lên gác thượng để nhìn. Năm 18 tuổi, tôi định trở thành phi công quân sự để đạt được mơ ước lái máy bay, nhưng bị loại vì không đủ sức khỏe”.
“Sau khi có 1 triệu USD đầu tiên năm 2006, năm 2007 tôi lên gặp Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình xin nghỉ, đầu tư khoản tiền lớn vừa kiếm được để đi học lái máy bay. Tôi sang Úc, đến một trường dạy lái máy bay. Tất cả những gì tôi mơ ước, tôi đã thực hiện được”, ông Tiến kể lại.
Làm sao để có 1 triệu USD đầu tiên?
Khi được hỏi 3 từ khóa mấu chốt về cách có thể chinh phục mốc 1 triệu USD đầu tiên, ông Tiến cho rằng đó là “lao động”, “sáng tạo” và “công nghệ”. Ông tin rằng nếu lao động thật chăm chỉ mỗi ngày, may mắn và thành công sẽ đến. Nhưng nếu chỉ lao động đơn thuần như vậy sẽ không đạt được mốc 1 triệu USD.
“Trong những người chăm chỉ lao động như vậy luôn có người nghĩ khác, làm khác. Kể cả đang phải làm công việc trước đấy đã rất nhiều người làm, họ vẫn làm với những suy nghĩ không cũ về vấn đề không mới, từ đó tạo ra đột phá”, Chủ tịch FPT Telecom cho hay.
Ông cho biết bản thân mình cũng từng đi bán hàng và có mức thu nhập cao hơn 2-3 lần so với những người bán hàng khác.
“Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nếu bán hàng, thu nhập của tôi mãi cũng chỉ có thế. Lúc đó, tôi nghĩ ra cách là không chỉ bán phần của tôi, mà phải làm sao để cả trăm công ty khác bán mặt hàng đấy của tôi. Lợi nhuận có thể ít hơn, nhưng tôi lại có mạng lưới bán hàng vô cùng rộng lớn. Đấy là những ý tưởng đầu tiên, bắt đầu từ năm 1994. Trong vòng 9 năm, chúng tôi đã xây dựng được công ty phân phối lớn nhất Việt Nam. Lúc đó doanh thu của chúng tôi lớn hơn Unilever Việt Nam ”, ông Tiến kể lại.
Đối với từ khóa “công nghệ”, ông Tiến giải thích rằng công nghệ giúp thay thế đáng kể sức người.
“Sự chăm chỉ giúp các bạn hơn được người khác gấp 2-3 lần là giỏi lắm rồi. Nhờ công nghệ, các bạn có thể hơn gấp 100 lần, 200 lần sức lao động thông thường. Tận dụng những công nghệ mới nhất, chúng ta sẽ có vị trí hoàn toàn khác so với bạn bè, các công ty, đối thủ cạnh tranh. Cũng nhờ công nghệ, thị trường không chỉ gồm 100 triệu người Việt Nam nữa. Công nghệ có thể biến 8 tỷ người trên thế giới thành thị trường của mình”, ông nói.
Để trả lời câu hỏi làm sao có được 1 triệu USD đầu tiên, ông Tiến khuyên giới trẻ hãy đầu tư vào học tập. Học ở những nơi tốt nhất với những thầy giỏi nhất, học cùng những bạn giỏi nhất.
“Hiện nay, các khóa học với những giáo sư giỏi nhất thế giới đang được mở ra thậm chí miễn phí hoàn toàn, hoặc mức phí không thể tưởng tượng được. Chỉ 500 USD để học với những người giỏi nhất như thế. Ngày xưa không bao giờ có chuyện đấy. Đầu tư vào học tập là khoản đầu tư tốt nhất khi chúng ta chưa có 1 triệu USD”, ông Tiến kết luận.