Thời sự

Nếu gói phục hồi được giải ngân sớm, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng cao nhất bao nhiêu?

Mới đây tại khai mạc phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đã gần nửa năm 2022 tiến độ giải ngân gói phục hồi kinh tế còn chậm. Đến nay mới bổ sung khoảng 18.000 tỷ đồng vốn các dự án thuộc chương trình thì "không nhằm nhò gì".

"Chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng. Lúc trình ai cũng nói giải ngân được trong 2 năm, cơ chế chính sách đặc thù cũng đã có, không hiểu vì sao chậm", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông nói thêm, nếu hết năm 2023 không giải ngân được sẽ trình Quốc hội dừng lại, và "nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế". "Chuyển nguồn" là việc chuyển các khoản chi đã có trong dự toán năm trước nhưng không chi hết cho năm sau. Vì thế, ông đề nghị Chính phủ giải trình kỹ việc chậm điều hoà vốn này.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã  hội trong năm 2022-2023 với tổng quy mô lên tới 347.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,2% GDP 2021. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT), ước tính gói kích thích này sẽ giúp tăng trưởng GDP tăng thêm 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7%/năm giai đoạn 2021-2025.

Hồi đầu tháng 3, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết dự kiến trong năm 2022, sẽ giải ngân khoảng 50% của gói 350.000 tỷ đồng thuộc chương trình.

Trong báo cáo hồi đầu tháng 4, Dragon Capital cho rằng sau khi làn sóng COVID-19 qua đi, kinh tế Việt Nam có thể đạt 7% tăng trưởng năm nay, và nếu triển khai gói phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, tăng trưởng 8,6% là mục tiêu khả dĩ có thể đạt được.

 

Trong khi đó hồi đầu năm,  CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra hai kịch bản tăng GDP sau khi tung gói kích thích. Theo đó kinh tế có thể tăng trưởng 6% ở kịch bản 1 và 6,6% ở kịch bản 2.

Về tác động của gói kích thích, BSC uớc tính trên được dựa theo phương pháp ICOR với mức ICOR = 6,13 (trung bình giai đoạn 2015-2019). Theo đó thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng thêm 0,9%-1,1% trong năm 2022. Công ty này nhận định gói kích thích kinh tế là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp GDP Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% trong năm giai đoạn 2022-2023.

Còn Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên mức nền thấp của giai đoạn 2020-2021.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý III/2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số).  

Xuất khẩu và hoạt động chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, trong khi đó tiêu dùng và các hoạt động dịch vụ khác như du lịch được kỳ vọng phục hồi khi nền kinh tế được mở cửa toàn diện hơn trong năm 2022. 

Đầu tư công cũng là một yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng, khi kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2022 (bao gồm gói hỗ trợ kinh tế) ước tính là 630.000 tỷ đồng, tăng 30% so với kế hoạch 2021.   

Dưới góc nhìn chuyên gia nước ngoài, tại hội thảo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022,  ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital  dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt 7,5%, cao hơn hầu hết nhiều dự báo trên thị trường. Ông cũng cho biết sẽ không bất ngờ nếu kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng trên mức này. Một trong những động lực tăng trưởng chính được vị chuyên gia này nhận định là  gói kích thích kinh tế với phần lớn chi cho cơ sở hạ tầng.  

Năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nằm trong khoảng 6%-6,5% và CPI bình quân tăng khoảng 4%. Sau giai đoạn chịu tổn thương vì đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đã bước vào quỹ đạo phục hồi.

Chính phủ đánh giá mặc dù tình hình kinh tế-xã hội nước ta trong quý IV/2021 đã có những chuyển biến rất tích cực, nhưng hậu quả của dịch COVID-19 là hết sức nặng nề, sức cầu của nền kinh tế chưa thể phục hồi mạnh mẽ ngay trong ngắn hạn. Qua đó khẳng định tính cấp thiết phải thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch.    

Cùng chuyên mục

Đọc thêm