Các số liệu nóng hơn dự kiến về giá tiêu dùng - và về một số giá bán buôn - trong tuần này đã khiến thị trường dự đoán khả năng cao Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ lựa chọn phương án cắt giảm lãi suất ở mức độ nhỏ hơn, thận trọng hơn tại cuộc họp tháng 9 vào cuối tuần tới.
Tuy nhiên, sự kết hợp của các thông tin cuối tuần một lần nữa khơi dậy lại những đồn đoán về việc cắt giảm lãi suất lớn hơn, 50 điểm phần trăm trong tuần tới.
Ngày làm việc cuối tuần chứng kiến sự gia tăng kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất khổng lồ của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, theo công cụ CME FedWatch, sau khi các báo cáo của Financial Times và The Wall Street Journal cho rằng các nhà hoạch định chính sách đang gặp khó khăn để đưa ra quyết định. Các nhà đầu tư hiện đặt cá cược khoảng 45% cho việc cắt giảm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp của FED vào tuần tới, so với tỷ lệ 15% chỉ trước đó một ngày.
Một số chiến lược gia cho rằng việc cắt giảm 25 điểm cơ bản sẽ là một dấu hiệu đáng hoan nghênh hơn từ FED.
Giám đốc chiến lược thị trường của Yardeni Research, Eric Wallerstein, đưa ra lý do rằng FED có thể sẽ không cắt giảm hơn 25 điểm cơ bản khi “không có điều kiện suy thoái hoặc khủng hoảng tài chính đang xuất hiện”.
Wallerstein nói với Yahoo Finance: “Đối với tất cả những người đang yêu cầu cắt giảm 50 điểm cơ bản, tôi nghĩ họ thực sự nên xem xét lại mức độ biến động có thể gây ra trên thị trường vốn ngắn hạn”. “Đó không phải là điều mà FED muốn mạo hiểm.”
Theo quan điểm của ông Wallerstein, trong khi báo cáo việc làm gần đây nhất cho thấy thị trường lao động tiếp tục có dấu hiệu chậm lại, các nhà kinh tế phần lớn lý giải rằng điều đó không cho thấy sự hạ nhiệt đáng kể mà nhiều người tin rằng FED cần cắt giảm sâu hơn ngay lập tức. Rủi ro ở đây là sự suy giảm đáng kể trong thị trường việc làm là một chỉ báo về một cuộc suy thoái.
Trong khi đó, báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hôm thứ Tư cho thấy trên cơ sở "lõi", loại bỏ các chi phí thực phẩm và khí đốt dễ biến động hơn, giá trong tháng 8 đã tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn kỳ vọng của phố Wall là 0,2%.
Chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của Oxford Economics, ông Michael Pearce đã viết trong một ghi chú cho khách hàng ngày 11/9: “Tin tức không mong muốn về lạm phát sẽ làm xao nhãng sự tập trung của FED vào thị trường lao động và nhiều khả năng khiến các quan chức sẽ theo đuổi cách tiếp cận thận trọng hơn để nới lỏng, bắt đầu bằng việc cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tuần tới.”
Một số chuyên gia cũng chỉ ra, việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản có thể tạo ra một dấu hiệu đáng lo ngại hơn về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ hơn những gì ngân hàng trung ương muốn phác hoạ.
Jennifer Lee, nhà kinh tế cấp cao của BMO Capital Markets, nói: “Việc cắt giảm 50 điểm cơ bản sẽ gây ra sự hoảng loạn và vào thời điểm này gần như chúng ta đã hoàn toàn đi sau đường cong lãi suất (tức là đã xa khủng hoảng -PV)”.
Người đồng sáng lập DataTrek, Nicholas Colas đã phân tích từng chu kỳ cắt giảm lãi suất của FED kể từ năm 1990. Trong số 5 chu kỳ cắt giảm lãi suất trong khoảng thời gian đó, cả hai lần FED đều bắt đầu với việc cắt giảm 50 điểm cơ bản (năm 2001 và 2007), và ngay sau đó suy thoái kinh tế đã xảy ra.
Ông Colas viết trong một lưu ý cho khách hàng vào sáng thứ Tư: “Mặc dù dữ liệu ở đây còn thưa thớt, nhưng cần phải nói về mối liên kết về việc ban đầu cắt giảm 25 điểm cơ bản với sự điều chỉnh chính sách giữa chu kỳ và việc cắt giảm 50 điểm cơ bản như một chỉ báo báo cho thấy FED đang ở quá xa so với đường cong lãi suất để tránh suy thoái kinh tế”. "Chủ tịch Powell và các thành viên còn lại của FOMC chắc chắn biết lịch sử này. Lần cắt giảm đầu tiên của họ gần như chắc chắn sẽ là 25 điểm cơ bản."
Tính đến sáng thứ Tư, thị trường đang kỳ vọng FED sẽ cắt giảm 100 điểm cơ bản trong năm nay. Nhiều manh mối hơn sẽ xuất hiện vào ngày 18/9 khi FED công bố Tóm tắt các Dự báo Kinh tế, bao gồm cả “biểu đồ dot plot”, chỉ ra những kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách về mức lãi suất có thể hướng tới trong tương lai.
Ông Wallerstein cho rằng nếu tổng số mức lãi suất cắt giảm của FED trong năm nay không đạt được kỳ vọng của thị trường thì đó không hẳn là điều xấu đối với chứng khoán.
“Nếu việc cắt giảm lãi suất đó được định giá qúa cao vì tăng trưởng mạnh hơn dự kiến và GDP tăng mạnh trong quý thứ ba cũng như các chỉ số thị trường lao động không quá tệ và chúng ta tiếp tục thấy chi tiêu của người tiêu dùng tăng, thì chứng khoán sẽ có nhiều dư địa hơn bởi thu nhập tiếp tục tăng", ông Wallerstein nói.