Theo các chuyên gia, có các bước tích cực bạn cần làm để cải thiện sức khỏe tinh thần, nhằm vượt qua thử thách này.
Nhận biết các dấu hiệu
Kiệt sức không xảy ra trong một đêm mà từ từ xâm chiếm bạn. Nếu bạn thấy mình luôn mệt mỏi ngay cả sau một đêm ngủ trọn vẹn hoặc thấy sợ hãi vào mỗi tối chủ nhật, đây là những dấu hiệu điển hình.
Cần trung thực với chính mình về cảm xúc bạn đang trải qua và đừng cố gắng kìm nén. Việc thừa nhận tình trạng kiệt sức có thể giúp bạn dập tắt nó ngay từ đầu trước khi leo thang thành cuộc khủng hoảng.
Học cách nói "Không"
Điều này thật khó khăn đối với những người thích làm hài lòng mọi người và luôn đồng ý với các yêu cầu. Cần hiểu rằng bạn không phải siêu anh hùng văn phòng và bạn không nên phải làm mọi thứ.
Các nghiên cứu chỉ ra, nói "Không" có tác dụng quan trọng để duy trì sự tỉnh táo của bạn. Nên đặt ra ranh giới tại nơi làm việc và đừng cảm thấy tự ti về điều đó. Bạn có thể lịch sự từ chối các nhiệm vụ bổ sung khi bạn đang phải xử lý khối lượng công việc lớn.
Đi nghỉ ngắn ngày
Chưa cần nói đến những kỳ nghỉ phép kéo dài cả tháng, đôi khi tất cả những gì bạn cần là một chuyến đi cuối tuần đến một điểm nào đó để thư giãn. Trong thời gian này không nên kiểm tra email, trả lời cuộc gọi từ văn phòng và không nhắn tin với đồng nghiệp. Nên tập trung vào thời gian cho bản thân trong vài ngày và cân nhắc tạm dừng mạng xã hội.
Cần kiên quyết với thông báo vắng mặt và tìm người khác xử lý các yêu cầu công việc.
Thư giãn sau giờ làm việc
Bạn sẽ bị kiệt sức nghiêm trọng nếu chỉ làm việc mà không giải trí. Nên dành thời gian cho thói quen thư giãn vào cuối ngày. Chìa khóa là phải có một thói quen nhất quán báo hiệu cho não biết rằng ngày làm việc đã kết thúc và giờ là lúc thư giãn. Điều này giúp tạo ra một vùng đệm tinh thần giữa căng thẳng công việc và cuộc sống cá nhân.
Dù bạn có nhiều trách nhiệm hơn những người khác nhưng điều quan trọng là phải tuân thủ thói quen thư giãn ngay cả khi chỉ kéo dài nửa giờ. Hãy dành ra một khoảng trong ngày chỉ dành cho riêng bạn và chọn một hoạt động giúp bạn bình tĩnh hoặc thư giãn. Thắp một ngọn nến, bật danh sách nhạc yêu thích hoặc ngồi xem một bộ phim truyền hình là những gợi ý.
Tìm sở thích có ý nghĩa
Nên tìm sở thích mang lại niềm vui và giúp bạn quên đi công việc. Đó có thể là đọc sách, vẽ tranh hoặc tập gym. Những hoạt động này nhắc nhở bạn rằng cuộc sống còn nhiều điều hơn là công việc.
Trong trường hợp bạn có quá nhiều trách nhiệm khác đến mức không còn thời gian cho các sở thích có ý nghĩa, nên tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ. Gia đình, bạn bè chính là những người hỗ trợ đắc lực cho bạn.
Sự nghiệp không phải là một cuộc chạy nước rút, đó là một cuộc chạy marathon. Điều quan trọng là không nên quá đắm chìm vào công việc đến mức bắt đầu định nghĩa con người chúng ta chỉ trên phương diện đó. Cần nhắc nhở bản thân rằng bạn là một người đa năng với nhiều sở thích, tài năng và mối quan hệ tồn tại bên ngoài nơi làm việc. Đừng để công việc quyết định cảm xúc và lòng tự trọng của bạn.
(Theo AsianOne)