Một đứa trẻ ít được đón nhận những lời khen, ít được mọi người xung quanh thừa nhận có thể rơi vào mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp và gặp khó khăn trong việc tạo dựng mối quan hệ. Ngoài ra, trẻ có thể mất đi hứng thú, động lực học tập và các hoạt động khác. Nghiêm trọng hơn là trẻ dần xuất hiện xu hướng bạo lực, dễ bị kích động hay nhạy cảm quá mức.
Một lời khen, một lời khích lệ hay động viên tới con nhỏ không hề quá khó khăn. Nó không chỉ giúp trẻ hạn chế được những tiêu cực mà còn mang lại nhiều hiệu quả tích cực: Gây dựng niềm tin, giúp trẻ đồng cảm với mọi người xung quanh, giúp trẻ mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề,…
Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng khen ngợi con đúng cách. Nhiều người thường mắc sai lầm khi dành lời khen cho con. Nếu bạn cũng chưa biết phương pháp khen trẻ khoa học thì hãy tham khảo nội dung dưới đây!
1. Dành lời khen cụ thể
Nhiều bậc cha mẹ thường khen ngợi trẻ khi có tiến bộ nhất định. Chẳng hạn nếu điểm số của trẻ cải thiện theo chiều hướng tốt, cha mẹ sẽ khen: "Con thông minh quá!". Hay khi con chăm chỉ làm việc nhà sẽ nhận được lời khen: "Con thật tuyệt vời". Những lời khen như vậy không sai nhưng lại chưa rõ ràng, cụ thể. Đứa trẻ sẽ không hiểu lý do được khen ngợi.
Khi khen con, cha mẹ cần chú trọng vấn đề, tránh khen trẻ quá nhiều, quá dài. (Ảnh minh hoạ)
Vì vậy, khi muốn tuyên dương con, cha mẹ nên đưa ra những lời khen cụ thể. Chẳng hạn như khi con tiến bộ trong học tập, hãy nói với con rằng: "Con siêng năng thật đấy! Sau này con phải tiếp tục chăm chỉ học hành nhé!". Một đứa trẻ biết mình được khen ngợi những gì đã làm được đương nhiên sẽ cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện. Dần dần trẻ sẽ trở nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để luôn được nhận những lời khen.
2. Dành lời khen ngợi đối với cả quá trình
Nhiều cha mẹ nhìn vào kết quả để đưa ra quyết định có nên khen ngợi con cái hay không vì họ không biết quá trình nỗ lực của con. Nhưng cha mẹ có biết rằng, ngay cả khi không thành công, trẻ vẫn xứng đáng nhận những lời khen ngợi. Vì trẻ đã cố gắng hết sức trong quá trình ôn tập.
Nếu lấy kết quả là thước đo của thành công thì cha mẹ có thể khiến bị tổn thương. Trẻ sẽ cảm thấy không được ghi nhận dù đã nỗ lực hết sức. Lúc này, cha mẹ nên nhẹ nhàng vỗ về trẻ: "Con ơi, dù con chưa hoàn thành việc này nhưng cha/mẹ đã thấy sự cố gắng của con. Hãy kiên trì, giữ tinh thần lạc quan nhé! Lần sau, con nhất định thành công". Như vậy, trẻ sẽ hào hứng, sẵn sàng làm việc chăm chỉ, không sợ thất bại. Ngược lại, nếu chỉ ngợi khen kết quả mà bỏ qua quá trình cố gắng sẽ khiến trẻ trở nên tự mãn, kiêu căng.
Cha mẹ nên khen ngợi quá trình nỗ lực con. (Ảnh minh hoạ)
3. Khen ngợi đi kèm với khích lệ
Khen ngợi trẻ cũng là một kỹ năng mà cha mẹ cần rèn luyện. Tuy nhiên, khi khen trẻ, cha mẹ không nên chỉ ghi nhận kết quả mà cần đưa ra lời khích lệ. Chẳng hạn nếu con đạt điểm cao trong kỳ kiểm tra vừa qua, hãy khen con như sau: "Con đã làm tốt, đã nỗ lực rất nhiều. Chúc mừng con! Mong con giữ vững kết quả và sẽ đạt thành tích cao hơn trong kỳ kiểm tra tới".
Nếu được cha mẹ khen ngợi cùng sự khích lệ sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc, tự hào, kiên định theo đuổi con đường đã chọn. Vì vậy, hằng ngày, cha mẹ nên khích lệ tinh thần trẻ để nâng cao hiệu quả, giúp trẻ ngày càng hoàn thiện bản thân.
Ngoài khen ngợi, cha mẹ cần khích lệ trẻ thường xuyên. (Ảnh minh hạo)
4. Khen ngợi mà không đưa thêm lời phán xét chủ quan
Đây là điều cực kỳ quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý. Khi dành lời khen cho con, cha mẹ nên nhìn nhận thực tế, đánh giá khách quan. Hãy tránh những lời khen bay bổng, phóng đại, nói quá sự thật bởi sẽ khiến trẻ có nguy cơ kiêu căng, tự mãn. Lâu dần, trẻ không muốn cố gắng, không nỗ lực gặt hái thành công mới, chấp nhận giậm chân một chỗ.
Trẻ rất mong đợi những lời khen ngợi từ cha mẹ. Bởi một lời khen đúng hoàn cảnh, đúng thời điểm có thể giúp trẻ lấy lại sự tự tin, lạc quan.