Một nghiên cứu mới đây do Passport Photo Online thực hiện với hơn 1.000 người Mỹ cho thấy, có tới 97% người được hỏi khẳng định họ thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) trong chuyến du lịch gần nhất. Tuy nhiên cũng có đến 58% người tham gia khảo sát cho biết họ hối hận vì đã lạm dụng điện thoại trong kỳ nghỉ của mình.
Du khách dùng smartphone để làm gì?
Mạng xã hội và công việc là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hành vi sử dụng điện thoại của khách du lịch. 89% người được hỏi cho biết họ sử dụng smartphone để xem các kênh truyền thông xã hội trong kỳ nghỉ. 79% người được hỏi cho biết họ dùng điện thoại để chụp ảnh hoặc quay phim. Một nghiên cứu khác của Schofields (2017) cho thấy, 40% thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) chọn điểm du lịch dựa trên kỳ vọng về các bức ảnh đẹp, hay còn gọi là mức độ "Instagrammable" (đủ sức hút trên mạng xã hội Instagram).
Khi được hỏi về khoảng thời gian sử dụng trung bình, phần lớn (55%) cho biết họ đã dành từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày trong chuyến du lịch của mình. Chỉ có 14% người được hỏi sử dụng dưới 30 phút mỗi ngày. Dù đang đi du lịch nhưng nhiều người không thể cưỡng lại việc rút điện thoại ra kiểm tra các thông báo, khi có đến 71% cho biết họ thường xem điện thoại từ 2 – 5 lần mỗi giờ, còn 10% kiểm tra hơn 10 lần mỗi giờ.
Gần một nửa số người được hỏi (46%) thừa nhận họ dành hàng giờ như vậy trên mạng xã hội vì muốn khiến những người bạn trên Internet ghen tị với trải nghiệm du lịch của mình. Kết quả này cũng phù hợp với một nghiên cứu khác của eHotelier từng khảo sát 9.200 du khách tại 31 quốc gia. Theo đó, 50% du khách đăng ảnh về chuyến du lịch lên mạng xã hội chỉ để khoe với bạn bè và những người theo dõi. Ngoài ra, 20% dành thời gian xem bài đăng của họ có bao nhiêu lượt thích và bình luận.
Chuyến du lịch đôi khi cũng biến thành chuyến công tác, khi 68% người được hỏi cho biết họ đã dùng smartphone để làm việc trong kỳ nghỉ gần nhất. Theo 60% được khảo sát, cấp trên của họ luôn muốn duy trì kết nối và đáp ứng yêu cầu công việc, ngay cả khi họ đi du lịch. Tuy nhiên cũng không ít người bị “ám ảnh” và áp lực về công việc, nên tự ép mình trả lời email hoặc tin nhắn dù không bị cấp trên yêu cầu ngay lập tức. Điều đó khiến nhiều khách du lịch không thực sự được nghỉ ngơi và thư giãn.
Điện thoại sẽ phá hỏng các kỳ nghỉ
Không thể phủ nhận điện thoại là một phương tiện hữu ích cho chuyến du lịch, trong việc giúp du khách nghiên cứu, đặt dịch vụ và lên kế hoạch cho kỳ nghỉ. Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy du khách còn dùng smartphone để nghe nhạc, điều hướng, phiên dịch, tìm nơi ăn uống vui chơi…
Đáng chú ý, không chỉ giới trẻ Mỹ “nghiện” smartphone khi đi du lịch, mà cả những du khách độ tuổi 39 - 54 và trên 55 tuổi cũng ham mê smartphone, với tỉ lệ sử dụng lần lượt là 98% và 93%. Thậm chí 75% người Mỹ được khảo sát đồng ý rằng với họ, smartphone là phụ kiện du lịch quan trọng nhất. Tuy nhiên, hơn một nửa (58%) nhận ra rằng họ dành quá nhiều thời gian cho điện thoại thông minh và hy vọng sẽ cắt giảm trong chuyến đi tới. Nghiên cứu của eHotelier còn chỉ ra rằng, không ít du khách Mỹ dùng điện thoại di động còn nhiều hơn thời gian họ tắm nắng trên bãi biển.
Có tới 62% người được khảo sát đồng ý hoặc đồng ý mạnh mẽ rằng việc sử dụng smartphone để làm việc khiến họ không thể thư giãn và tái tạo tinh thần khi đi du lịch. Khoảng 60% cho biết họ phải thay đổi lịch trình du lịch vì cần sử dụng smartphone để làm việc. Vì công việc đã "cướp đi" quá nhiều thời gian nghỉ ngơi cần thiết trong các chuyến du lịch, 66% người tham gia khảo sát chia sẻ họ “ao ước” có một kỳ nghỉ mà không bị sếp hay đồng nghiệp liên hệ công việc.
Các khảo sát trên cho thấy trong thời đại số và xu hướng ứng dụng công nghệ sau đại dịch Covid-19, smartphone đã trở thành “vật bất li thân” với rất nhiều khách du lịch. Tuy nhiên nếu chuyến du lịch là để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và tạm rời xa cuộc sống thường ngày, thì việc dành quá nhiều thời gian cho smartphone sẽ đi ngược lại mục tiêu đó./.