Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực TP HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1-1-2023 thay vì 1-7-2022 như đề xuất của Hội đồng Tiền lương guốc gia.
Ông Ngọ Duy Hiểu- Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Là Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, đồng thời là Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng ông và phần đông cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động (NLĐ) đã biết được thông tin 8 hiệp hội có kiến nghị này.
"Nhiều cán bộ công đoàn và NLĐ bày tỏ sự bức xúc với tôi, họ cho rằng NLĐ đã chia sẻ với DN rất nhiều, nhất là trong thời gian dịch bệnh, làm việc "3 tại chỗ", đồng ý tăng giờ làm thêm. Nay NLĐ vẫn đang khó khăn, đối mặt với giá cả leo thang, một bộ phận khó khăn gay gắt. Thông tin các Hiệp hội kiến nghị chưa tăng lương từ ngày 1-7-2022 làm cho một bộ phận NLĐ buồn, tâm tư. Họ cho rằng tăng lương không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho NLĐ, mà quan trọng hơn là tạo động lực để họ làm việc với năng suất cao hơn, kết quả tốt hơn" - ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Theo Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, vấn đề kiến nghị của các Hiệp hội không phải là vấn đề mới. Nhiều năm trước cũng vậy. "Nhưng tôi tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt vì NLĐ, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp" - ông Hiểu bày tỏ.
Ông Đặng Thuần Phong - Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, cho rằng việc kiến nghị là quyền của các hiệp hội, còn giải quyết thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề rằng dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt và cuộc sống đang trở lại bình thường. Cùng với đó, chúng ta thấy rằng thời gian qua có rất nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ DN cũng như chia sẻ với NLĐ.
"Đối với DN, từ các Nghị quyết số 42, 68, 03… còn với NLĐ, chúng ta cần phải kéo họ trở lại thị trường lao động để đảm bảo ổn định sản xuất trong tình hình mới là hết sức cần thiết, đo đó việc tăng lương cho NLĐ từ 1-7-2022 là hết sức cấp bách, cần thiết bởi sự chịu đựng của NLĐ trong suốt 2 năm qua là quá lớn, dù vẫn biết khó khăn đều đến đối với DN và NLĐ thời gian qua, nhưng NLĐ bị chịu đựng ảnh hưởng quá nặng nề. Do vậy tôi ủng hộ Chính phủ tăng lương từ 1-7" - Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội bày tỏ.
Theo ông Đặng Thuần Phong, dù việc tăng lương từ 1-7 sẽ gây khó khăn cho một bộ phận DN nhưng khó khăn này không phải là khó triệt để hay không thể tăng lương cho NLĐ. "Đáng ra giai đoạn này cần phải chăm lo hơn nữa cho NLĐ"- ông Phong nêu quan điểm và nói thêm rằng Hội đồng Tiền lương quốc gia đã rất trách nhiệm và đã đồng thuận rất cao khi xem xét sự hài hòa lợi ích giữa DN và NLĐ, cân nhắc đầy đủ các yếu tố để quyết định tăng lương từ 1-7 cho NLĐ.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; một chuyên gia trong lĩnh vực lao động, tiền lương - nhấn mạnh các hiệp hội mong muốn như vậy cũng cần thiết tuy nhiên việc tăng lương cho NLĐ từ 1-7 là vấn đề cấp bách, cần thiết khi cuộc sống của NLĐ đang hết sức khó khăn.
"Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã phân tích, đánh giá, cân nhắc thấu đáo trước khi bỏ phiếu, và kết quả bỏ phiếu đã thể hiện sự chia sẻ của chủ sử dụng lao động đối với NLĐ và coi NLĐ như là trung tâm của quá trình sản xuất, kinh doanh và phát triển của DN. Điều này thỏa mãn được yêu cầu bù đắp một chút cho NLĐ trong bối cảnh họ đang hết sức khó khăn. Điều này sẽ khuyến khích, khích lệ NLĐ gắn bó hơn với DN, tạo cơ hội để DN phục hồi và phát triển"- ông Bùi Sỹ Lợi nói và đề nghị Chính phủ nên cho thực hiện việc tăng lương theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.