Công nghệ

Nền tảng giúp việc bTaskee hướng tới thị trường Đông Nam Á

Vận hành tương tự ứng dụng đặt xe công nghệ, bTaskee kết nối người dùng với nhóm giúp việc bán thời gian. Khi có nhu cầu, bạn chỉ cần mở app và nhập các thông tin về công việc như: điểm làm, loại dịch vụ (dọn nhà, nấu ăn, chăm sóc người bệnh, vệ sinh máy lạnh...) và thời gian thực hiện, hệ thống sẽ tự động báo mức chi phí theo giờ. Nếu hài lòng với mức phí này, bấm xác nhận, bTaskee sẽ gửi yêu cầu đến đội ngũ cộng tác viên giúp việc.

Giao diện ứng dụng giúp việc nhà theo giờ. Ảnh: bTaskee

Giao diện ứng dụng giúp việc nhà theo giờ. Ảnh: bTaskee

Thao tác đặt lịch trong 30 giây, các cộng tác viên giúp việc sẽ chủ động nhận việc trong vài phút. Tùy theo tính chất công việc và thời gian mong muốn, hệ thống sẽ báo thời gian người giúp việc đến nhà bạn (tối thiểu 60 phút kể từ khi gửi yêu cầu). Thuật toán để gửi việc đến nhân viên cũng tương tự các ứng dụng đặt xe: tính toán quãng đường, số sao trên hệ thống... Nhằm đảm bảo an toàn, bTaskee hiển thị hình ảnh và thông tin của người giúp việc nhận việc mà bạn đã đăng. Ứng dụng cho phép quét mã QR code khi họ đến nhà nhằm nhận dạng chính xác. Hộ gia đình cũng có thể chọn gói dài hạn khi có nhu cầu lâu dài.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào ngành giúp việc nhà, đơn vị hỗ trợ nhu cầu tìm người làm khắp 10 tỉnh, thành Việt Nam. Trên nền tảng này, người dùng có thể tìm kiếm 12 loại dịch vụ: dọn dẹp nhà, vệ sinh máy lạnh, đi chợ, nấu ăn, chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, trông trẻ, vệ sinh máy lạnh, vệ sinh rèm - nệm - thảm - sofa, tổng vệ sinh, dọn dẹp buồng phòng, khử khuẩn...

Sau Việt Nam, ứng dụng hiện cung cấp dịch vụ tại Thái Lan và đặt kế hoạch mở rộng toàn Đông Nam Á.

Ông Đỗ Đắc Nhân Tâm - CEO kiêm nhà sáng lập bTaskee cho biết, phiên bản 3.0 hiện nay có nhiều cải tiến trong tính năng, hỗ trợ thao tác dễ dàng và nhanh chóng hơn, bổ sung thêm một số tiện ích mới. Điểm đặc biệt, ứng dụng có giao diện người dùng (UX) thân thiện. Bạn không cần phải đăng nhập mà vẫn có thể vào ứng dụng, thao tác ở tất cả dịch vụ. Chỉ khi cần xác nhận lệnh, hệ thống mới gửi yêu cầu tạo tài khoản hoặc đăng nhập.

"Từ lúc viết ứng dụng đến xây dựng UI/UX, tôi đã đặt tiêu chuẩn cao trong việc đo lường tính thân thiện khi sử dụng. Suốt quá trình vận hành, hệ thống cũng tự động ghi nhận các chỉ số hành vi người dùng, gọi điện lấy ý kiến phản hồi nhằm đưa ra cải tiến thích hợp", vị CEO nói.

Ông Đỗ Đắc Nhân Tâm - CEO kiêm nhà sáng lập bTaskee

Ông Đỗ Đắc Nhân Tâm - CEO kiêm nhà sáng lập nền tảng. Ảnh: bTaskee

Khởi chạy trên nền tảng kiến trúc Microservices, ngôn ngữ hệ thống React Native và tận dụng những công nghệ hiện đại như cloud (đám mây), tự động hóa... hệ thống giúp tối ưu trải nghiệm người dùng, tiết kiệm chi phí và hiệu quả vận hành, tự động báo lỗi, không giới hạn số lượng người dùng.

Ứng dụng có tính năng tự động chuyển đổi ngôn ngữ, dịch vụ tương thích theo quốc gia khi chuyển vùng mà không cần cài đặt thủ công, hữu ích với người thường xuyên công tác nước ngoài. Tuy cung cấp đa dịch vụ với những đặc thù khác nhau, tất cả đều có cùng quy trình thao tác, khách hàng không cần làm quen lại từ đầu.

Sau 6 năm kể từ ngày ra mắt (tháng 3/2016), ứng dụng có đội ngũ 7.000 cộng tác viên giúp việc giúp việc, cung cấp dịch vụ cho hơn 350.000 khách hàng. Mỗi nhân viên có thể nhận hàng trăm đầu việc mỗi tháng. Mỗi đầu việc làm 2-3 giờ, người giúp việc được trả khoảng 100.000 - 160.000 đồng. Như vậy mức thu nhập trên ứng dụng bTaskee có thể đạt 15 - 25 triệu đồng mỗi tháng. Với nhóm cộng tác viên giúp việc cao cấp, con số lương tháng kỷ lục từng ghi nhận là 33 triệu đồng. Theo đại diện đơn vị, các cộng tác viên có tỷ lệ thu nhập khoảng 80% phí dịch vụ, chưa tính thưởng, tip riêng - đây là con số khá cao so với thị trường.

Kiến tạo giá trị mới cho ngành giúp việc

Trước câu hỏi: vì sao sáng lập bTaskee, ông Đỗ Đắc Nhân Tâm trả lời bằng câu chuyện của chính bản thân. Năm 2015, khi đang làm một kỹ sư tại nước ngoài, ông có dịp về Việt Nam và cần tìm người giúp việc theo giờ. Yêu cầu tưởng như đơn giản nhưng lại khiến vị kỹ sư gặp nhiều khó khăn về thời gian, ký hợp đồng, nhất là thiếu cơ sở thông tin để tạo sự tin tưởng ở người làm. Trò chuyện cùng bạn bè, ông nhận ra nhiều người gặp trở ngại tương tự.

Khảo sát thực tế, quanh khu vực Đông Nam Á, điển hình Việt Nam có khoảng 1,6 triệu hộ gia đình đang cần người giúp việc. Trong khi đó, số lượng người lao động tham gia thị trường này chỉ có khoảng 250.000 người. Điều này có nghĩa mức cầu tăng tới 15% một năm trong khi cung tăng lại chậm. Tuy nhiên, vấn đề chính trong thị trường giúp việc nhà là khách hàng mất nhiều thời gian, chi phí tìm người; chất lượng không được đảm bảo vì nghề này ở Việt Nam chưa được đánh giá đúng mức.

Thực tế này thôi thúc nam kỹ sư xây dựng nền tảng cung cấp dịch vụ hướng tới mục tiêu kép: đội ngũ giúp việc chất lượng, nhận việc tức thì trong trường hợp gấp; về phía người làm, họ có một công việc đúng nghĩa, thu nhập tương xứng, thay đổi định kiến thị trường.

"Đây là một bài toán cực khó vì giúp việc vốn mang định kiến không phải là nghề, nó mang tính truyền thống theo mô hình chủ - tớ hơn là ngành dịch vụ. Để thay đổi cần sự kiên trì và một giải pháp tổng thể", ông Tâm nói.

Ở thời điểm năm 2015, đã có nhiều công ty giúp việc ra đời nhưng chỉ đáp ứng cung cầu mà không thay đổi bản chất dịch vụ. Người làm nhận mức thu nhập vừa đủ, không thể nuôi sống cho một gia đình - không đáp ứng định nghĩa về một "nghề". Trăn trở của ông Tâm là làm sao giúp đội ngũ giúp việc nhận thu nhập xứng đáng, chuẩn hóa nghề này để khách hàng có niềm tin, thay đổi cách nhìn ở người giúp việc, loại bỏ cảm giác tự ti.

Để thay đổi định kiến này, ông Tâm vạch ra lộ trình rõ ràng: cung cấp nền tảng giúp hai bên trở thành đối tác, dịch vụ chuyên nghiệp với tiêu chuẩn cụ thể.

Một cộng tác viên của bTaskee đang trong ca làm

Cộng tác viên của bTaskee được đào tạo ở nhiều yếu tố. Ảnh: bTaskee

Ở đầu vào, đơn vị yêu cầu đội ngũ giúp việc chuẩn bị đầy đủ 4 loại hồ sơ. Ngay khi đăng ký, nhân viên được đào tạo ở nhiều yếu tố: thái độ tốt, chuyên môn, cách thao tác trên ứng dụng. Bài giảng thiết kế trực quan, luôn có sẵn trên ứng dụng để học mọi lúc, mọi nơi. Song song, bTaskee xây dựng một cộng đồng giúp việc, nơi mọi người cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Điểm đặc biệt, đơn vị cấp chứng chỉ nghề cho các cộng tác viên. Với những người có hơn 200 giờ làm việc, điểm đánh giá từ 4,8 trở lên có thể tham gia khóa nâng cao, nhận công việc cao cấp với mức thu nhập hấp dẫn hơn.

Đơn vị xây dựng cộng đồng các cộng tác viên.

Đơn vị xây dựng cộng đồng các cộng tác viên. Ảnh: bTaskee

"Từng bước, tôi muốn mang lại giá trị mới cho ngành và cái nhìn tốt đẹp, tôn trọng hơn về nghề giúp việc nhà. Mọi người có thể nhận mức lương xứng đáng, chủ động nhận việc theo nhu cầu, vẫn có thời gian chăm sóc gia đình", CEO cho biết.

Với tỷ lệ 97% khách hài lòng và quay lại lần hai, đơn vị đặt mục tiêu tăng trưởng 15-20% mỗi tháng, doanh thu 10 triệu USD năm nay. Năm 2021, ứng dụng nhận đầu tư từ ba quỹ Hàn Quốc. Trong năm nay, ông Nhân Tâm dự kiến kêu gọi đầu tư theo nhiều vòng nhỏ để tăng tính thanh khoản, tấn công thị trường khu vực.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm