Sống ở Đức đã được nhiều năm, Thảo Brinkschulte (hiện đang là nhân viên văn phòng kiêm foodblogger của kênh @lazyvietkitchen) vốn đã cảm thấy quen với việc chi tiêu đắt đỏ hơn hẳn Việt Nam. Theo lời Thảo, nhiều tháng trở lại đây, giá cả sinh hoạt ở châu Âu cao hơn, tại nơi Thảo sinh sống, giá tiêu dùng nói chung gia tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, nhờ một vài yếu tố chủ quan mà cuộc sống của cô và gia đình gần như không bị ảnh hưởng.
Người châu Âu ứng phó với bão giá
Người dân châu Âu nói chung và Đức nói riêng lúc này đang trải qua bão giá, khi giá thực phẩm ở các cửa hàng đều tăng trong khi dầu ăn trở nên đắt đỏ và khan hiếm.
Thảo chia sẻ giá cả ở nơi cô sinh sống đã tăng trong khủng hoảng bão giá nói chung ở châu Âu. Ảnh: NVCC
Truyền thông châu Âu đưa tin trong bối cảnh giá xăng tăng cao, người dân buộc phải có các biện pháp thích ứng. Họ tìm đến các ứng dụng chia sẻ chuyến đi, so sánh trạm xăng dầu nào có giá rẻ nhất. Thay vì tự lái xe, có sự thoải mái và riêng tư thì bây giờ không ít người bắt đầu đề nghị chia sẻ chặng đường đi làm của mình với người khác để giảm chi phí xăng dầu.
Các sản phẩm thực phẩm tăng giá khiến các doanh nghiệp cũng phải tìm cách tạo cảm giác chi tiêu ít đi cho người tiêu dùng. Ví dụ cùng một số tiền, trước đây công ty đóng gói khối lượng nhiều hơn thì nay giảm đi một phần hoặc các mặt hàng trước đây bán theo kg thì nay chuyển sang bán theo số quả. Có nhiều trường hợp người mua chuyển từ sản phẩm hữu cơ sang thực phẩm đại trà, hoặc chuyển hướng sang siêu thị giá rẻ. Người tiêu dùng cũng để ý nhiều hơn các chương trình khuyến mãi giảm giá hay tránh lãng phí trong việc nấu ăn.
Người châu Âu phải tiết kiệm hơn trong bão giá. Ảnh: Getty |
|
Chi tiêu có kế hoạch để không bị ảnh hưởng
Khác với số đông, Thảo Brinkschulte cho hay dù sống ở châu Âu nhưng hiện gia đình cô chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi bão giá. Về vấn đề đi lại, do hai vợ chồng đã chọn đi xe điện từ lâu nên giá xăng tăng không làm cho việc đi lại trở nên khó khăn. Theo Thảo, khi thu nhập ổn định thì 10% tăng giá là tỷ lệ có thể cân đối được. Hơn nữa, từ trước tới nay, Thảo luôn có thói quen quản lý chi tiêu, tài chính nên bây giờ cô không bị "sốc" nếu phải thắt chặt hầu bao.
Thảo thường chỉ mua những món đồ thật sự cần thiết, tái sử dụng hoặc thanh lý đồ đạc cũ không dùng đến. Thảo cho hay đó là thói quen tốt vừa bảo vệ môi trường và cũng tiết kiệm cho túi tiền. Việc này nên được duy trì thường xuyên chứ không chỉ trong thời kỳ lạm phát như hiện nay.
“Mình luôn cố gắng tận dụng hết đồ ăn để không phải đổ bỏ bất cứ thứ gì. Ví dụ như vỏ dưa hấu mình dùng nấu canh, nấu nước sâm hoặc muối dưa. Vỏ quýt mình dùng pha trà, tần gà”. Thảo cũng hái các loại rau dại, hoa dại làm phong phú thêm mâm cơm của gia đình.
Món trà từ vỏ dưa hấu do Thảo nấu. Ảnh: NVCC |
|
Do tính chất công việc làm tại nhà nên Thảo rất chịu khó đi chợ vào các “khung giờ vàng” để mua được đồ với giá tốt nhất. Thảo dần đưa nhiều món chay vào thực đơn hàng ngày, vừa tốt cho sức khỏe lại giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Nếu cần đi làm, Thảo thường mang theo cơm hộp hoặc snack khi đi dã ngoại để hạn chế chi tiêu.
Ngay cả trong các chuyến du lịch, Thảo cũng có thói quen mang theo các loại gia vị Việt Nam và chuẩn bị một chút đồ ăn sẵn để khi lỡ bữa hoặc không hợp khẩu vị thì vẫn có thể nấu đồ ăn trong căn hộ. Với Thảo, việc làm này không phải quá tiết kiệm hay khắt khe mà là có sự chuẩn bị sẵn để bản thân không rơi vào hoàn cảnh khó hoặc phải chi tiêu quá nhiều những thứ không cần thiết.
Vì cơn bão giá, cộng đồng người Việt ở châu Âu cũng tự rút ra kinh nghiệm chi tiêu có kế hoạch hơn và không lãng phí đồng tiền mình làm ra. Một số người chọn cách đi chợ ít hơn và mỗi lần sẽ mua nhiều hơn để lên thực đơn ăn uống dài hơn cho gia đình, đồng thời không thể “thích gì ăn nấy” như trước. Việc dầu ăn hướng dương cực kỳ khan hiếm ở Đức và các nước châu Âu kể từ sau chiến sự tại Ukraine buộc các gia đình phải giảm ăn đồ chiên rán hoặc chỉ dùng nồi chiên không dầu để giảm lượng tiêu thụ dầu ăn xuống. Nhiều người thậm chí còn phải đặt mua dầu hướng dương qua kênh mua sắm trên mạng, từ Ba Lan chuyển sang Đức.
Tuy nhiên, là một người sống khá lạc quan, Thảo cho rằng lạm phát và bão giá cũng không hẳn là xấu, mà đó còn là cơ hội để một người có thể tìm kiếm công việc được trả lương tốt hơn, bằng cách thỏa thuận lại tiền lương với sếp hoặc thương lượng về giá cả với khách hàng. Nhiều đối tác của Thảo hiện nay đã đề nghị cô tăng chi phí nhân công và cô thấy đó là yêu cầu hoàn toàn thỏa đáng.
Với Thảo, thời gian này cũng là cơ hội để người lao động có được mức lương cao hơn. Ảnh: NVCC |
|
Trong tình hình này, các tổ chức doanh nghiệp ở châu Âu cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, như là thưởng thêm cho nhân viên. Số tiền thưởng sẽ tỷ lệ nghịch với tiền lương của mỗi nhân viên, nghĩa là ai thu nhập thấp hơn sẽ được ưu tiên thưởng nhiều hơn một chút để đảm bảo cuộc sống.