Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang phát những tín hiệu cho thấy họ phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm lại. Các đợt sa thải và hạn chế tuyển dụng đã trở nên quen thuộc khắp Thung lũng Silicon. Nhiều startup thừa nhận nguồn đầu tư đang cạn dần, trong khi nhiều người lao động nhận thông báo rằng hoạt động kinh doanh đang thay đổi.
Twitter kiện Elon Musk, dẫn tới những số liệu tài chính gây thất vọng. Amazon đối mặt với nhiều phong trào bảo vệ người lao động. Facebook phải làm quen với cơ chế quảng cáo mới sau khi thiệt hại hàng tỷ USD vì Apple. Cổ phiếu của mạng xã hội Snap lao dốc gần 40% hôm 22/7, một ngày sau khi họ báo cáo mức tăng trưởng doanh thu tồi tệ hơn dự kiến và từ chối đưa ra dự báo về lợi nhuận trong tương lai. Netflix tuần qua cũng đề cập các yếu tố khiến họ đánh mất một triệu người dùng, trong đó có "tăng trưởng kinh tế trì trệ".
Giới phân tích nhận định báo cáo tài chính được Amazon, Microsoft, Google, Facebook và Apple công bố tuần sau có thể là tín hiệu rõ ràng nhất về những gì họ đang đối mặt và cách thức xử lý trong vài tháng tới. Một số nguồn tin cho biết Apple cũng đã thắt chặt hầu bao và cắt giảm tuyển dụng, dấu hiệu cho thấy nhu cầu chi tiêu cho thiết bị điện tử của người tiêu dùng đang suy giảm.
"Tư duy trên thị trường hiện nay là: Nếu những người khổng lồ như Apple phải làm vậy, các công ty nhỏ và yếu hơn sẽ chống chọi thế nào và Big Tech đang phát hiện điều gì mà những bên khác chưa thấy?", Tom Essaye, Chủ tịch công ty nghiên cứu Sevens Report Research, cho hay.
Tracy Clayton, phát ngôn viên Meta, cho biết công ty sẽ tiếp tục điều chỉnh một phần hoạt động kinh doanh vì môi trường kinh tế vĩ mô. Apple và Amazon chưa phản hồi Washington Post, trong khi Google, Twitter và Snap từ chối bình luận.
Những đợt ngừng tuyển dụng và dự báo bi quan về tương lai ngược hoàn toàn với danh tiếng phát triển bền vững của Big Tech nhiều năm qua, khiến giới phân tích và nhà đầu tư lo ngại.
Trong suốt một thập kỷ qua, doanh nghiệp công nghệ luôn phát triển mạnh mẽ, tuyển dụng hàng chục nghìn người lao động và tích lũy lượng tiền khổng lồ nhờ lợi nhuận không ngừng tăng. Giá cổ phiếu các công ty như Amazon, Microsoft, Apple và Google liên tục đi lên, thống trị thị trường chứng khoán và giúp nhiều nhà đầu tư trở nên giàu có.
Tuy nhiên, giới công nghệ vài tháng qua đã phát tín hiệu rằng giai đoạn bùng nổ này đang chấm dứt. Amazon là một trong những tập đoàn công nghệ đầu tiên thừa nhận sai lầm khi thuê quá nhiều nhân công cho các kho hàng và xây dựng cơ sở hạ tầng vượt quá nhu cầu. Họ đang phải tìm cách cho thuê lại các nhà kho trống trong bối cảnh lệnh hạn chế vì Covid-19 được gỡ bỏ và người dùng quay trở lại trạng thái trước đại dịch.
Tesla thông báo doanh thu tốt hơn dự kiến, nhưng CEO Elon Musk hồi giữa năm nói ông có "dự cảm rất xấu" về nền kinh tế và cảnh báo nhà sản xuất ôtô sẽ giảm 10% nhân lực.
"Chúng ta phải làm việc gấp rút và tập trung hơn so với những ngày nắng đẹp trước đây. Công ty có hiệu quả hơn hay không phụ thuộc vào tất cả chúng ta", CEO Alphabet Sundar Pichai chia sẻ với các nhân viên tuần trước.
Facebook đầu năm nay lần đầu báo cáo sụt giảm số người dùng hàng ngày, đồng thời dự báo doanh thu thấp hơn do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ. Cổ phiếu công ty giảm 50% so với năm ngoái, trong khi ban lãnh đạo cũng yêu cầu quản lý bộ phận kỹ thuật loại bỏ những nhân viên có năng suất thấp.
Microsoft gần đây cũng rút thông báo tuyển dụng công khai trên mạng.
Một số chuyên gia cho rằng các công ty nhỏ có thể theo bước Big Tech và siết chặt hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, họ nhận định đây là bước chuẩn bị cho giai đoạn suy thoái kinh tế, chứ không phải hành động hoảng loạn trước các thống kê lao dốc.
"Đây có thể coi là động thái tích cực vì các công ty ngày càng kỷ luật hơn", Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại Invesco, nhận xét.
Big Tech cũng thành công hơn nhiều lĩnh vực khác trong đại dịch, cho phép họ có năng lực chống đỡ suy thoái tốt hơn. "Ngành công nghệ không mất nhiều lao động trong đại dịch và không rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực. Không bất ngờ khi họ cần điều chỉnh chiến lược khi nền kinh tế có dấu hiệu bất ổn", Jason Furman, giáo sư ngành kinh tế tại Đại học Harvard, nói.
Hàng loạt đợt cắt giảm trong ngành công nghệ đã được dự đoán từ lâu. "Khi thế giới thay đổi và nguồn đầu tư bị siết chặt, mọi người nhận ra họ không cần đội ngũ nhân viên đông đảo như trước", Doug Clinton, quản lý tại công ty đầu tư công nghệ Loup Ventures, cho hay.
Theo dữ liệu từ website tuyển dụng Indeed, nhu cầu tuyển nhân lực trong toàn ngành kinh tế Mỹ vẫn ổn định, nhưng các công việc phát triển phần mềm giảm 12% trong vòng bốn tuần qua.
"Thị trường lao động vẫn vững mạnh, nhưng riêng nhu cầu với nhân lực ngành công nghệ đang giảm đi", Ann Elizabeth Konkel, chuyên gia kinh tế của Indeed, cho biết.
(theo Washington Post)