Mới đây, một nam thanh niên ở Phúc Kiến, Trung Quốc đã gặp họa chỉ vì tự tay nặn nốt mụn cực to trên mặt mình. Theo thông tin đăng tải, trước đó, người này thấy trên mặt bỗng mọc lên một cái mụn rất to. Vì cảm thấy mụn trên mặt xấu xí nên anh đã cố gắng dùng tay nặn mụn.
Không ngờ sau khi bóp vỡ mụn, máu chảy không ngừng, thậm chí máu từ mũi cũng chảy ra liên tục. Dù đã dùng băng bông để băng lại, máu vẫn chảy ra từ nốt mụn. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định, nốt trên mặt anh không phải mụn trứng cá mà là u máu. Rất nguy hiểm khi tự ý nặn.
Ảnh minh họa
Trước đó, nhiều người cũng từng phải trả giá đắt chỉ vì nặn mụn – việc làm tưởng chừng như bình thường. Như trường hợp 1 phụ nữ 32 tuổi ở Bình Dương cách đây vài năm đã phải đến cấp cứu tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM trong tình trạng toàn bộ vùng mặt bị viêm tấy đỏ, phù nề nặng đến mức không mở mắt được do nhiễm trùng.
Trước đó, chị này tự nặn một mụn ở chóp mũi. Tuy nhiên, sau đó, từ vùng chóp, cánh mũi viêm tấy lan rộng, lan lên 2 mắt rồi toàn bộ vùng mặt, đau nhức dữ dội, mắt không mở được...
Sau khám lâm sàng, nội soi, chụp cắt lớp, xét nghiệm máu, bệnh nhân được chẩn đoán: Nhiễm trùng chóp mũi gây viêm tấy lan tỏa vùng mặt, theo dõi nhiễm trùng huyết, viêm tắc xoang hang.
Hay một nam thanh niên ở Bến Tre sau một tuần nặn mụn bị sưng vù mặt, sốt cao mê man, phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM. Khi nhập viện, vùng miệng sưng to, mưng mủ, tình trạng sốc nhiễm trùng nghiêm trọng, các hạch sưng to; phải ăn qua xông; dùng phối hợp kháng sinh mạnh, liều cao...
Theo các bác sĩ, ngoài những biến chứng trầm trọng, thậm chí chết người thì nặn mụn không đúng, không vô trùng, một số người càng nặn càng mọc nhiều mụn hoặc tạo ra sẹo lồi, lõm, sẹo rỗ, những vết thâm da không mất.
Những sai lầm khi nặn mụn
Nặn mụn ở vùng tam giác nguy hiểm
Theo các chuyên gia, trên mặt con người có một vùng tam giác nguy hiểm có đỉnh ở trên điểm giữa hai đầu trong cung lông mày và điểm nhọn hai góc đáy chính là hai mép. Nhiều người còn gọi là "tam giác chết" vì nặn mụn ở vùng này là nguy hiểm nhất. Do đó, không nên nặn mụn vùng giữa trán, ở quanh miệng và cằm vì rất nguy hiểm.
Nặn mụn đinh râu
Mụn đinh râu có dạng nhọt, thường sưng to, rất đau và có ngòi mụn ở đầu. Nặn mụn đinh râu có thể làm vi khuẩn xâm nhập vào tĩnh mạch, gây nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Nặn mụn bằng tay bẩn
Tự ý nặn mụn hay dùng tay sờ cạo lên vị trí nốt mụn dễ gây tổn thương bề mặt da, làm vi khuẩn dễ xâm nhập hơn vào bên trong da. Trong khi đó, nặn mụn tại nhà, nhiều người thường bỏ qua các bước tiệt khuẩn kỹ càng trước và sau khi thực hiện, thậm chí một số người còn nặn mụn bằng tay mà không rửa tay hay mang găng tay nên tăng khả năng nhiễm trùng, biến mụn không viêm thành mụn viêm hoặc làm cho mụn viêm hiện có lan rộng, dẫn đến nguy cơ cao hình thành sẹo mụn.
Những ai không nên nặn mụn?
Người bệnh tiểu đường: Những người tiểu đường tuyệt đối không được nặn mụn vì đường máu cao nên nguy cơ nhiễm trùng huyết cao gấp nhiều lần người bình thường.
Người suy giảm miễn dịch: Nếu mụn xuất hiện trên nền bệnh suy giảm miễn dịch đi kèm như: suy thận, ung thư… rất dễ bị viêm mô tế bào. Nếu diễn tiến nặng hơn nữa, vi trùng đi vào trong máu và gây ra nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng.
Theo các bác sĩ, phần lớn mụn, nhọt có thể điều trị tại nhà bằng cách dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm có nhiệt độ vừa phải rồi chườm lên vùng bị mụn 10-15 phút mỗi lần, ngày 3-4 lần cho đến khi mụn vỡ và tháo mủ. Vết thương sau đó được rửa sạch bằng dung dịch sát trùng.
Đến khám bác sĩ da liễu ngay khi thấy mọc mụn có các dấu hiệu như: Mụn có kích thước to, nhiều mụn xuất hiện cùng lúc, mụn ở vị trí nguy hiểm như vùng mặt, mụn gây đau nhức nhiều, kéo dài trên 2 tuần mà không lành hoặc mụn đi kèm với sốt...
Để phòng tránh mụn nhọt, cần ăn uống nghỉ ngơi điều độ, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm rửa bằng xà bông diệt trùng, hạn chế cào gãi, sờ mó, nắn, bóp mụn nhọt.