Tuần trước, tại một cửa hàng Huawei trong trung tâm thương mại đông đúc ở phía bắc Hong Kong, rất nhiều người dùng đã đổ về chiêm ngưỡng Mate XT – mẫu smartphone gập 3 đầu tiên trên thế giới, có thể mở rộng thành một chiếc máy tính bảng cỡ lớn.
Cũng trong ngày hôm đó, YouTuber nổi tiếng IShowSpeed đã mua liền ba chiếc Mate XT trong buổi livestream tại Thâm Quyến, ngay sát Hong Kong. Mỗi chiếc điện thoại có giá khởi điểm khoảng 2.800 USD.
Tại cửa hàng Huawei, giữa đám đông vây quanh, influencer (người có tầm ảnh hưởng) người Mỹ với hơn 38 triệu lượt theo dõi trên YouTube đã nói: “Nó to thật đấy!”

Smartphone gập 3 của Huawei. (Ảnh: Reuters).
Ông Steve Fok, một người bán điện thoại tại trung tâm điện tử ở khu trung tâm Hong Kong, cho biết nhiều người chọn điện thoại sản xuất tại Trung Quốc vì chúng có nhiều tính năng hiện đại. Ngay cả những người đang dùng iPhone cũng mua thêm điện thoại Trung Quốc vì pin lâu hơn và công nghệ được đánh giá cao.
Năm ngoái, Apple đã mất vị trí hãng điện thoại bán chạy nhất tại Trung Quốc – thị trường smartphone lớn nhất thế giới, vào tay các đối thủ nội địa như Vivo và Huawei. Lượng iPhone bán ra tại Trung Quốc trong năm giảm tới 17%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2016.
Trên toàn cầu, Apple vẫn giữ được vị trí dẫn đầu, nhưng lượng máy xuất xưởng trong năm 2024 đã giảm so với năm trước. Thị phần của Apple đang thu hẹp, trong khi các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo, Honor và Huawei lại tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường quốc tế.
“Ngày nay, việc sở hữu một chiếc iPhone không còn là biểu tượng đẳng cấp như 5 đến 10 năm trước”, ông Francisco Jeronimo, Phó Chủ tịch phụ trách dữ liệu và phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường IDC (London), chia sẻ với Rest of World.

“Apple đang chậm chân hơn so với các đối thủ Trung Quốc trong việc đổi mới tính năng. Người dùng đang chuyển dần sang các thiết bị có thiết kế khác biệt hơn, như dòng điện thoại gập của Huawei”, ông nói.
Tại Trung Quốc, Apple đang gặp khó trong việc tích hợp các tính năng AI. Mặc dù iPhone 16 đã có một số tính năng trí tuệ nhân tạo, nhưng Apple vừa thông báo sẽ trì hoãn nâng cấp AI cho Siri đến năm 2026.
Ngoài ra, các mẫu iPhone 16 bán tại Trung Quốc đại lục không được tích hợp Apple Intelligence. Nguyên nhân là vì Apple cần được cơ quan quản lý trong nước phê duyệt trước khi cung cấp các dịch vụ AI.
Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc lại đón đầu xu hướng rất nhanh. Nhiều hãng đã tích hợp AI của DeepSeek, một nền tảng trí tuệ nhân tạo do Trung Quốc phát triển. Tâm lý ủng hộ hàng nội địa cũng khiến người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các thương hiệu trong nước.
Từ năm ngoái, Huawei đã tích hợp trợ lý ảo Xiaoyi vào các dòng điện thoại mới. Trợ lý này sử dụng công nghệ AI của DeepSeek để hỗ trợ người dùng. Các thương hiệu như Oppo và Honor cũng lần lượt tung ra các tính năng AI riêng.
Ông Jeronimo cho biết: “AI đang tạo ra sự khác biệt rõ rệt. Khi người dùng đến cửa hàng, họ được giới thiệu các tính năng mà iPhone chưa có. Điều đó khiến họ dễ lựa chọn điện thoại từ các hãng Trung Quốc hơn”.

Bên cạnh đó, kế hoạch áp thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ cũng đang gây áp lực lên Apple.
Phần lớn iPhone bán ra tại Mỹ hiện được lắp ráp tại Trung Quốc. Vì vậy, theo một số ước tính, giá thấp nhất của iPhone 16 có thể lên đến 1.142 USD, trong khi iPhone 16 Pro Max có thể lên tới 3.661 USD nếu mức thuế mới được áp dụng. Mới đây, ông Trump cho biết
Việc giá iPhone tại Mỹ có nguy cơ tăng mạnh do thuế nhập khẩu mới có thể tạo lợi thế cho Samsung Electronics - nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới đến từ Hàn Quốc. So với Trung Quốc, Hàn Quốc đang chịu mức thuế thấp hơn.
Tại Hong Kong, một số người dùng cho biết họ chuyển sang điện thoại Trung Quốc vì tinh thần dân tộc và tâm lý phản đối Mỹ.
Anh Ming Leung đã đổi chiếc iPhone X cũ sang Huawei Pura 70 Pro từ tháng 10 năm ngoái. Anh chia sẻ với Rest of World: “Là người Trung Quốc, tôi chọn ủng hộ Huawei – thương hiệu của Trung Quốc”.
Tại cửa hàng Huawei, anh King Mak, 40 tuổi, đang chỉ cho vợ cách gập chiếc Huawei Mate XT. Anh nói: “Sếp tôi cũng có một chiếc. Nhưng ông ấy không thực sự dùng. Ông chỉ mang theo khi đi công tác ở Trung Quốc để cho người khác thấy rằng mình là người yêu nước”.