Bất động sản

Năm 2025 nguồn cung nhà ở xã hội sẽ khởi sắc

Đây là một phần trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở cho người dân có thu nhập thấp và trung bình.

Năm 2024, nguồn cung về nhà ở tại Việt Nam đã tăng 8,6% so với năm 2023, đánh dấu một tín hiệu tích cực trong việc cải thiện tình hình nhà ở trên cả nước. Các dự án mới đã được khởi công, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội, sẽ đóng góp lớn vào việc đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng.

"Bộ Xây dựng đang tập trung triển khai các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đồng thời điều chỉnh quy hoạch để các dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.

Nỗ lực của Chính phủ và Bộ Xây dựng trong việc cải thiện chất lượng sống của người dân, đồng thời góp phần vào việc ổn định thị trường bất động sản tạo kỳ vọng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ khởi sắc trong năm 2025.

Qua việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn giúp tạo ra hàng nghìn việc làm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, cung cấp môi trường sống tốt hơn cho người dân. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, đây là bước đi quan trọng trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người dân Việt Nam.

Năm 2025 nguồn cung nhà ở xã hội sẽ khởi sắc- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đánh giá nhà ở xã hội sẽ là điểm sáng của năm 2025, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARs IRE) phân tích, nguồn cung sẽ được cải thiện đáng kể bởi theo quy định của các luật mới liên quan sẽ tạo nhiều thuận lợi cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể, chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ trường hợp dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại. Đồng thời, được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

Một số trường hợp được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại. UBND tỉnh, thành phố quyết định việc chủ đầu tư phải bố trí quỹ đất đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà ở thương mại phát triển hoặc ở khu vực khác hoặc trả tiền tương đương.

Ngoài khoản lợi nhuận tối đa 10%, chủ đầu tư dự án còn có thể có thêm khoản lợi nhuận từ phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại - chiếm 20% diện tích phát triển dự án – bà Miền dẫn chứng.

Đón đầu cơ hội mà chính sách mang lại, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nhập cuộc phát triển nhà ở xã hội. Điển hình là tại thị trường Hà Nội gần đây liên tiếp đón tin vui từ các dự án nhà ở xã hội khởi công mới và được cấp phép xây dựng.

Đơn cử như Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng vừa khởi công Dự án khu nhà ở xã hội xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh; Liên danh Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Công ty CP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội và Công ty CP Kinh doanh và phát triển nhà DAC Hà Nội vừa khởi công dự án nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình với 440 căn hộ.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã cấp giấy phép xây dựng cho liên danh Công ty CP Him Lam Thủ đô và Công ty CP BIC Việt Nam xây dựng công trình chung cư cao tầng CT1 thuộc dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh và đấu nối hạ tầng khu vực, quận Long Biên.

Cùng đó, Liên danh chủ đầu tư Handico và Viglacera thông tin sẽ khởi công công trình CT3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 - Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh vào đầu năm 2025…

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giai đoạn 2021 – 2025 nhu cầu nhà ở xã hội là 1,24 triệu căn và kế hoạch Bộ Xây dựng đề ra là 428.000 căn. Mặc dù Chính phủ, địa phương và cả doanh nghiệp đã tích cực triển khai nhưng kết quả chưa như mong đợi. Năm 2024 cả nước chưa đạt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao là hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng đạt thấp do nguồn cung thực tế vẫn khan hiếm, việc phê duyệt các điều kiện tiếp cận của người dân vẫn còn vướng mắc, lãi suất cao, thời gian vay ngắn... Đặc biệt, số lượng dự án nhà ở xã hội triển khai, mở bán ở các đô thị rất khiêm tốn. Phần lớn các dự án nhà ở xã hội nằm ở ngoại ô, xa trung tâm, không thuận tiện cho người lao động làm việc tại đô thị…

Nhiều chủ đầu tư chia sẻ, họ muốn làm nhà ở xã hội, vừa để đóng góp một phần cho cộng đồng, vừa để tận dụng các chính sách ưu đãi và đáp ứng nhu cầu về nhà ở rất lớn và ổn định của phân khúc này. Tuy nhiên, các nơi có cầu và sức mua lớn nhất thì doanh nghiệp lại khó làm bởi quy trình thủ tục, pháp lý thực tế phức tạp. Giá bán và lợi nhuận bị khống chế quá thấp trong khi chi phí phát triển (đất, xây dựng, lãi vay…) liên tục tăng.

Hiện quỹ đất ở khu vực trung tâm ngày càng khan hiếm và giá thành cao. Nhưng nếu phát triển tại các quỹ đất dành cho nhà ở xã hội nằm ở ngoại ô hoặc các khu vực có hạ tầng chưa phát triển thì doanh nghiệp lại khó bán bởi khó thu hút người mua.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm