Như ngồi trên lửa
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, năm 2024, doanh nghiệp này xuất khẩu rau quả vào thị trường Mỹ đạt kim ngạch 62 triệu USD. Chính vì vậy, việc áp thuế 46% của chính quyền Tổng thống Trump khiến ông vô cùng lo lắng.
“Nếu bị tăng thuế, doanh nghiệp chúng tôi phải xác định giảm lợi nhuận để bù vào khoản thuế gia tăng nhằm ổn định giá hàng hóa và giúp thị trường không bị sốc. Trong thời gian tới, ngoài việc giữ vững các thị trường truyền thống thì doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp cần chuyển qua những thị trường ít biến động hơn”, ông Tùng nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường Mỹ bất an với chính sách thuế 46% của chính quyền Tổng thống Trump. (Ảnh minh họa: Đ.V)
Ở lĩnh vực thủy sản – một trong những ngành hàng xuất khẩu chính sang Mỹ - ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) cho rằng, nếu mức thuế này được áp dụng thì tất cả doanh nghiệp xuất khẩu sẽ rất khó, nhất là nhóm xuất khẩu thủy sản. Phản ứng đầu tiên rất có thể là doanh nghiệp sẽ tạm ngưng xuất hàng qua Mỹ trong ngắn hạn.
Sau đó, trong thời gian ban đầu, các doanh nghiệp sẽ đối phó bằng cách thu hẹp quy mô sản xuất, nuôi trồng. Hệ lụy kéo theo là nguy cơ nông dân không sản xuất được và công nhân thất nghiệp ngay lập tức. “Đó là đặc thù ngành thủy sản xuất khẩu. Nếu không sản xuất được, các doanh nghiệp bị kẹt dòng tiền, ảnh hưởng tiếp đến vốn vay ngân hàng, khó dây chuyền”, ông Phục nói.
Một vấn đề nữa là nếu mà không bán đi Mỹ được thì các nước khác cũng sẽ nhân đó ép giá.
Doanh nghiệp ông có lượng hàng xuất đi Mỹ chiếm trên 35%, còn lại là Nhật Bản, châu Âu, Canada và Trung Đông. Các doanh nghiệp cũng rất tích cực mở rộng được thị trường, nhưng lượng hàng đi Mỹ rất lớn, không thể bù được. Hơn nữa, tôm xuất khẩu còn đặc thù là các nước phát triển, thu nhập cao mới sử dụng, không dễ bán ở các thị trường khác.
Trong khi đó với thị trường nội địa lại có kênh phân phối khác bởi thị trường nội địa sử dụng sản phẩm thô còn các doanh nghiệp như ông là sản xuất hàng giá trị gia tăng cao.
"Các doanh nghiệp trong ngành khá hoang mang. Sáng nay chúng tôi cũng đã nói chuyện với khách hàng và đưa ra phương án nếu như Mỹ đánh thuế cao thì các đơn hàng phải đàm phán lại. Đối tác cũng chia sẻ nhưng họ thực sự chưa biết phải ứng xử thế nào, vì nếu lượng hàng ít có thể san sẻ được, nhưng nhiều thì thật sự không có cách nào", ông Phục nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Cafatex (Cần Thơ) nói: “Thực sự chúng tôi chưa biết phải xử lý thế nào bởi đây là thách thức vô cùng lớn. Cùng với đó, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với tôm Ecuador tại Mỹ và từ nhiều thị trường khác. Cá ngừ xuất khẩu vào Mỹ cũng chịu thêm áp lực từ quy định IUU là kích thước cá ngừ tối thiểu 0,5m đã khiến cho nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu bị thắt chặt”.

Tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ là sản phẩm giá trị gia tăng cao và không phải thị trường nào cũng mạnh tay nhập. (Ảnh minh họa: D.Khang)
Cùng chia sẻ, ông Bill Nguyễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty xuất nhập khẩu Cainver ở Quận 1, TP.HCM, cho biết, sáng 3/4, ông đã phải dậy từ 4h30 để cùng nhân viên, bạn hàng, đối tác bàn bạc về mức thuế này. Năm 2024, 80% hàng gỗ, nội thất của công ty ông là xuất vào Mỹ. Ông nói mức thuế chung 46% mà Mỹ đưa ra dự định áp với Việt Nam là quá mạnh đối với nền kinh tế vốn chủ yếu sản xuất bằng gia công hàng xuất khẩu như Việt Nam.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, nếu Mỹ áp thuế với các sản phẩm nhập khẩu từ doanh nghiệp Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu dùng hàng Việt tại Mỹ. Như vậy kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ nhanh chóng giảm sút.
Cũng theo ông Tùng, nhiều doanh nghiệp dệt may phụ thuộc vào thị trường Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu đến 90%, nên sẽ gặp nhiều khó khăn nếu mức thuế này được áp dụng.
Trong sáng 3/4, TCM đã có cuộc họp với khách hàng Mỹ, để thông tin tình hình và thương lượng lại chính sách giá cả đã ký trước đó với phía đối tác Mỹ. Đa số doanh nghiệp Mỹ cũng đều bày tỏ tinh thần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp Việt Nam.
Không nên hoảng loạn
Bên cạnh nỗi lo chung của cộng đồng doanh nghiệp thì cũng không ít ý kiến vẫn bày tỏ sự bình tĩnh để chờ những thông tin cụ thể, chi tiết hơn.
CEO Phạm Quang Anh của Công ty TNHH May mặc DONY nói rằng ông tin mức thuế này chính quyền Mỹ đưa ra như là mức "trần" chứ không áp vào thực tế. Chính sách mới công bố, còn đợi điều chỉnh và chắc chắn sẽ điều chỉnh hợp lý hơn.
"Theo góc nhìn cá nhân của tôi thì các thông tin đưa ra để đàm phán với nhau. Nhưng nói gì thì nói, nếu thuế không giảm, áp mức này thì dệt may Việt Nam rất khó. Đó là vấn đề rất lớn. Và giá cả hàng hóa Việt Nam nói chung sẽ khó cạnh tranh trên thế giới chứ không phải chỉ có ngành hàng dệt may", ông Quang Anh nói.
CEO này cũng cho rằng doanh nghiệp đã lường trước sự bất thường của thị trường vài năm trước. Lượng hàng xuất vào Mỹ của DONY chiếm khoảng 20%, từ nhiều năm nay, doanh nghiệp chủ động đa dạng thị trường, không hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ mà xuất đi Nga, châu Phi, thậm chí cả các nước Đông Nam Á.
Ông Bill Nguyen nói rằng Cainver cũng đã dự liệu câu chuyện thuế quan và chiến tranh thương mại gần 10 năm nay, đặc biệt từ đại dịch COVID-19. Theo ông, doanh nghiệp không thể hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ nhờ có lao động rẻ nữa mà phải nâng cao giá trị sản phẩm lên.
Cần dành khoản đầu tư xứng đáng về công nghệ, thiết kế, để tối ưu hóa sản xuất phù hợp với thị hiếu của thị trường. Và điều quan trọng là không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, phải đa dạng thị trường xuất khẩu.
Theo doanh nhân này, đừng quá hoảng loạn và tốt hơn hết doanh nghiệp nên chuẩn bị trước tinh thần là có thể tỷ giá sẽ thay đổi. Ngoài ra, cần dành khoản tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ngắn hạn.

Ngành dệt may đang hồi hộp với mức thuế Mỹ vừa công bố. (Ảnh minh họa: Q.A)
Với những đơn hàng đang chuẩn bị xuất đi thời gian này thì nên đẩy nhanh tiến độ để kịp xuất hàng trước giai đoạn áp thuế. Hoặc nếu không kịp thì nên để có thời gian chờ đàm phán. Riêng doanh nghiệp gỗ phải chú ý nguồn liệu gỗ nhập vào hợp pháp, có chứng chỉ bảo vệ rừng hoặc mua từ các đối tác thương mại của Mỹ cho sản xuất hàng hóa của mình.
"Về mặt nào đó tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều đã có sự chuẩn bị trước với những bất ổn của thị trường. Như chúng tôi đã chuẩn bị từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump, đầu tư về mặt công nghệ, tìm kiếm thị trường mới ngoài Mỹ như Canada, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia kể cả thị trường nội địa", ông Bill Nguyen thông tin.
Bên cạnh đó, ông cho rằng lợi thế của ngành gỗ Việt Nam là công nhân đều có tay nghề khá cao. Nếu áp thuế, trong khoảng thời gian ngắn các doanh nghiệp nhập hàng của Mỹ cũng chưa tìm được nơi nào thay thế hàng hóa, sản phẩm thiết kế tốt, tinh xảo, công nhân lành nghề như Việt Nam. Đó là lợi thế trước mắt.
“Tất cả những khó khăn sẽ qua, có khi nhờ vào chiến tranh thương mại này mà thế giới biết về Việt Nam nhiều hơn. Chúng ta là nước sản xuất, xuất khẩu rất nhiều ngành hàng chủ lực và có khả năng cạnh tranh, thay thế được nhiều hàng hóa của các thị trường lớn.
Canada, Anh, Pháp, Australia sẽ nhìn Việt Nam, sẵn sàng tới Việt Nam mua hàng. Doanh nghiệp cần bình tĩnh, chủ động và khẳng định với đối tác chúng ta làm hàng thật, hàng chất lượng, giá cả hợp lý thì không lo không bán được hàng.
Ngoài thị trường xuất khẩu ra thì thị trường nội địa cũng là cửa sáng. 100 triệu dân cùng nhu cầu tiêu dùng lớn, ngày càng quan tâm đến hàng hóa chất lượng thiết kế đẹp, giá cả phải chăng thì không có lý do gì mà mình lại để cho doanh nghiệp ngoại khai thác”, ông lạc quan phân tích.
Chờ Chính phủ đàm phán với Mỹ
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nêu ý kiến, việc đàm phán của Chính phủ và các Bộ ngành với phía Mỹ trong giai đoạn này là hết sức quan trọng. Doanh nghiệp Việt rất trông chờ vào các cuộc đàm phán trong thời gian tới để cải thiện chính sách thuế mà chính quyền Tổng thống Trump đang muốn áp dụng.
Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa Nguyễn Văn Tưởng cũng cho rằng các doanh nghiệp nên chờ Chính phủ lên tiếng, ông tin Chính phủ sẽ sớm có cuộc đàm phán với Mỹ.
“Chúng ta phải chờ xem sau khi đàm phán với Mỹ, quốc gia này sẽ ứng xử ra sao, có hoãn thời gian để điều chỉnh hay không? Đây là là động thái thể hiện Mỹ đang muốn đàm phán với các quốc gia, tách ra khỏi Tổ chức Thương mại thế giới”, ông Tưởng nói.