Doanh nghiệp

Muốn xuất khẩu mạnh, doanh nghiệp phải "xanh"

Muốn xuất khẩu mạnh, doanh nghiệp phải xanh - Ảnh 1.

Các diễn giả thảo luận giải pháp giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Châu Âu - Ảnh: NHẬT XUÂN

Theo Bộ Công Thương, tính đến nay Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó 3 hiệp định thế hệ mới. Các hiệp định này đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nền kinh tế và lĩnh vực xuất khẩu.

Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 616,24 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 39,4 tỉ USD, tăng 22,3% nhờ tác động mạnh mẽ của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Ông Jean - Jacques Bouflet - phó chủ tịch EuroCham - chia sẻ trong đoạn đầu thực thi EVFTA, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, song xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn tăng trưởng.

Phó chủ tịch EuroCham cho biết bước vào năm thứ 3 thực thi EVFTA, biên độ ưu đãi, mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn.

Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh công tác thực thi tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế vẫn phức tạp, xung đột vũ trang, một số nguyên nhiên vật liệu tăng giá làm giảm tổng cầu của thị trường EU.

Bà Nguyễn Thảo Hiền - phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ - đánh giá tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và ngày càng đa dạng hóa.

Theo các chuyên gia, các hiệp định thương mại mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt nhưng cũng đặt ra nhiều yêu cầu, rào cản khắt khe đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi, đặc biệt vấn đề phát triển xanh và bảo vệ môi trường.

Bà Hiền dẫn chứng Châu Âu ngày càng gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững… ví như cơ chế điều chỉnh carbon biên giới hay dự luật ngăn chặn phá rừng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ngày càng ưa chuộng sử dụng hàng hóa xanh như sử dụng vật liệu và bao bì tái chế, thân thiện môi trường.

"Dù có kết quả xuất tốt tượng nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thị trường EU do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của EU đặt ra ... EU cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định khiến các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều trường hợp không kịp nắm bắt, thích nghi", bà Hiền nói.

Với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - cho rằng bên cạnh chấp hành các quy định về nguồn gốc, doanh nghiệp cũng phải hướng tới phát triển bền vững, hạn chế phát thải carbon… nếu muốn tạo sự đột phá trong thời gian tới.

"Sự cấp bách của biến đổi khí hậu cũng như sự thay đổi xu hướng của người tiêu dùng đang tạo áp lực khiến hàng loạt các luật về môi trường tại châu Âu nhanh chóng đi vào thực tế. Nếu các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị và xoay sở kịp sẽ phải chịu mất cơ hội, thị trường", ông Phương nói.

Ông Jean- Jacques Bouflet  cũng cho rằng để tăng xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt phải thể hiện cam kết mạnh mẽ về phát triển xanh, sẵn sàng, nỗ lực cung cấp các sản phẩm sạch, giảm thải carbon trong quy trình sản xuất.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm