Doanh nghiệp

Mức thuế 46% Mỹ vừa đưa ra như "chặn đứng" hàng Việt

Tóm tắt:
  • Mỹ vừa áp mức thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, làm doanh nghiệp thủy sản sốc và khó cạnh tranh.
  • Ông Trần Văn Lĩnh cho biết mức thuế này khiến doanh nghiệp thủy sản có thể phải giảm bớt xuất khẩu sang Mỹ.
  • Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lo ngại mức thuế này sẽ tác động lớn đến ngành hàng này.
  • Các ngành khác như đồ gỗ, nội thất, dệt may cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế mới của Mỹ.
  • Doanh nghiệp dệt may đang đánh giá tình hình và chờ đợi đàm phán giữa hai chính phủ để ứng phó.

Doanh nghiệp bất ngờ, sốc

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho biết, hiện nay sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam so với của các nước như Ecuador, Ấn Độ... đều thấp hơn, do đó chỉ cần một biến động nhẹ về thuế quan, thủy sản Việt Nam đã khó có thể cạnh tranh được.

Theo ông Lĩnh, với mức thuế suất đối ứng 46% mà Mỹ đưa ra, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đều rất bất ngờ. “Mức này cũng khiến doanh nghiệp hết đường vào Mỹ, bởi càng xuất càng lỗ. Hiện, thị trường Mỹ chiếm hơn 20% tổng doanh thu của chúng tôi nên với tình hình này sắp tới, doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu giảm bớt tỷ trọng, chuyển hướng thị trường”, ông Lĩnh nói.

Mức thuế 46% Mỹ vừa đưa ra như 'chặn đứng' hàng Việt ảnh 1

Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản rất bất ngờ với mức thuế 46% Mỹ áp dụng cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Lĩnh cho rằng, với việc Mỹ áp thuế đối với tất cả các nước và Việt Nam trong nhóm các nước bị đánh thuế cao nhất, đây cũng là lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại biểu giá thuế xuất nhập khẩu hiện nay. Ngay trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Đây là rủi ro đã được cảnh báo mà Việt Nam cần nhanh chóng phải có chính sách giảm thuế đối ứng.

Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - bày tỏ khá sốc với mức thuế phía Mỹ đưa ra. Năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt hơn 1,8 tỷ USD và đây là thị trường ảnh hưởng lớn đến thủy sản.

"Việc tiếp tục đánh thuế đối ứng với Việt Nam ở mức 46% là một diễn biến rất đáng quan ngại. Hiệp hội đang trao đổi với các thành viên để đánh giá cụ thể mức tác động với mức thuế này”, đại diện VASEP chia sẻ.

Bình tĩnh chờ đợi

Ngoài thủy sản, ngành nghề được dự báo ảnh hưởng lớn nhất là đồ gỗ, nội thất, dệt may, linh kiện điện tử.

Mức thuế 46% Mỹ vừa đưa ra như 'chặn đứng' hàng Việt ảnh 2

Xuất khẩu gỗ, đồ nội thất lo ảnh hưởng lớn khi Mỹ áp thuế mức cao.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất lớn ở Đồng Nai cho biết, mấy hôm nay đang dồn mọi sự tập trung theo dõi sát các thông tin liên quan chính sách thuế của Mỹ trên kênh truyền thông, website cơ quan chức năng phía Mỹ và từ các đối tác.

Các doanh nghiệp dự báo mức thuế Mỹ có thể áp từ 10% là phương án hợp lý, và tiêu cực là 25%. Thực tế, mức 46% là con số gây choáng váng.

"Trước đây doanh nghiệp khá lạc quan với thị trường Mỹ, nhưng với mức thuế mà Tổng thống Donald Trump đưa ra gần như chặn cửa đối với hàng hóa Việt Nam. Hiện, nhiều đối tác phía Mỹ cũng chần chừ việc đặt đơn hàng, vì họ lo sợ việc áp thuế sẽ dẫn tới tồn kho và giá sẽ tăng vọt", vị này chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM - cho biết, ngay trong sáng nay đang cùng các thành viên hiệp hội và doanh nghiệp bàn thảo và có những đánh giá thêm để có phương án ứng phó.

“Mức thuế này sẽ gây khó khăn cho dệt may Việt Nam vì thuế nhập vào Mỹ cao nhất, chỉ sau Campuchia và Lào. Vì vậy doanh nghiệp lo lắng và tiếp tục theo dõi tình hình”, ông Hồng nói.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam - cho rằng, con số áp thuế Mỹ đưa ra là bất ngờ, song 46% là đánh thuế vào tổng quan các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, sắp tới sẽ có chi tiết từng dòng hàng để áp thuế.

Xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ có mặt hàng chịu thuế 0%, có mặt hàng 7%, 12%, hoặc như mặt hàng áo khoác là 27%. Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ nên nền tảng thuế đã có rồi, không phải hiện nay mới áp.

Chính phủ đang triển khai hàng loạt giải pháp, tiếp tục đàm phán để xem xét vận dụng, áp dụng các dòng thuế ra sao trong thời gian tới. Do đó, Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp bình tĩnh chờ đợi sự đàm phán giữa hai chính phủ. Các nhãn hàng cũng sẽ đưa ra quan điểm của họ để không gây ảnh hưởng nhiều tới tổ chức sản xuất.

Các tin khác

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.