Tài chính

Mức lãi suất liên ngân hàng 13%/năm tại kỳ hạn 9 tháng không có quá nhiều ý nghĩa

Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng có phần nào căng thẳng trong những ngày đầu sau Tết Nguyên đán nhưng đã được cải thiện hơn về cuối tuần, theo ghi nhận từ Chứng khoán SSI. Trong tuần 30/1 - 3/2, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì quanh vùng 6%, lãi suất tại các kỳ hạn 1 tuần - 1 tháng giảm nhiệt về 6,5 - 8,2% (giảm 0,2 - 0,4 điểm %).

Tuy vậy, trong ngày 2/2, thị trường ghi nhận có thời điểm lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng đã có thời điểm vọt lên 13%/năm từ quanh vùng 9% trước đó. Sau đó, lãi suất kỳ hạn này đã nhanh chóng giảm về 9,61%.

 Ngày 2/2, ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng lên 13%/năm. (Nguồn: SBV).

Lãi suất liên ngân hàng là một trong những yếu tố thể hiện về thanh khoản của thị trường nhưng nhìn vào lịch sử giao dịch có thể nhận thấy, doanh số giao dịch liên ngân hàng chủ yếu nằm ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Số ít sẽ là 2 tuần hay 1 tháng, các kỳ hạn dài hơn như 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng là rất hiếm và chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Trao đổi với người viết,ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của CTCP Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho biết thông thường lãi suất liên ngân hàng sẽ biến động tại kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, cũng là những kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối lượng giao dịch.

"Việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tăng vọt lên mức cao nhiều khả năng do một đột biến ngắn hạn trên thị trường, sau đó lãi suất sẽ có xu hướng hạ nhiệt trở lại", ông Minh nói.

Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI cũng cho rằng do tính chất giao dịch trên thị trường 2, khối lượng giao dịch liên ngân hàng ở các kỳ hạn dài hơn thường không có thanh khoản và do vậy biến động lãi suất kỳ hạn này thường không mang nhiều ý nghĩa. 

Thực tế ghi nhận tại ngày 6/2, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng đã giảm về 9,61% (mức tham chiếu ngày 26/12/2022). Lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 6,05%/năm; tại các kỳ hạn 1 tuần - tháng dao động từ 6 - 7%/năm.

 Nguồn: NHNN.

Chia sẻ thêm về câu chuyện cung tiền, ông Nguyễn Thế Minh phân tích, câu chuyện của nền kinh tế hiện nay nằm ở cung tiền M2 . Cung tiền năm 2022 ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình từ 2012-2021, chỉ tăng khoảng 7% trong khi GDP tăng trưởng cao. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản gặp khó.

Theo ông, với mục tiêu kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất thận trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, do đó nhà điều hành cũng hạn chế việc tăng cung tiền. Cung tiền thấp sẽ khiến lãi suất tăng cao.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, NHNN đã liên tục bơm thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) giúp tình trạng căng thẳng phần nào được cải thiện.

Báo cáo của SSI Research cho biết bên cạnh việc thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, NHNN đã tiếp tục việc mua bổ sung dự trữ ngoại hối tương đương với cấp thanh khoản tiền đồng cho thị trường. Kết tuần (từ 30/1 - 3/2), NHNN đã bơm ròng 49.500 tỷ đồng, khối lượng lưu hành tăng trên kênh mua kỳ hạn lên 102.000 tỷ trong khi đó kênh tín phiếu giảm mạnh xuống chỉ còn 15.000 tỷ đồng.

Trong những phân tích gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cung tiền sẽ tăng trở lại trong năm 2023. 

“Trong năm 2023, nếu như các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế được tháo gỡ, đặc biệt là đầu tư công được đẩy mạnh, niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp được khôi phục trở lại thì đương nhiên, vòng quay của tiền sẽ nhanh hơn và lượng cung tiền sẽ nhiều hơn. Người dân cũng gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn. Dự báo lượng cung tiền và vòng quay đồng tiền trong năm 2023 sẽ tốt hơn năm 2022”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Tại tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng năm 2023 sẽ là năm bắt đầu chu kỳ thanh khoản mở rộng. Khi tỷ giá không còn chịu áp lực, NHNN có thể quay trở lại mua dự trữ ngoại hối, tức bơm tiền vào thông qua kênh tỷ giá. Lãi suất dự báo sẽ bắt đầu giảm từ quý II năm 2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm