Báo cáo "Chỉ số thương mại điện tử năm 2021 tại khu vực Đông Nam Á - Tìm hiểu người tiêu dùng Đông Nam Á và lựa chọn phương thức giao hàng" vừa được công ty e-logistics Ninja Van Group và DPDgroup công bố. Báo cáo tập trung vào thói quen mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á, cũng như mong muốn về trải nghiệm mua sắm của họ từ giai đoạn quyết định mua hàng đến giao nhận hàng hóa.
Theo báo cáo, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hai năm về trước (2019 - 2021), số lượng khách hàng mua sắm trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á đã tăng thêm khoảng 70 triệu người. Con số này dự kiến sẽ lên đến khoảng 380 triệu người vào năm 2026, tức dự báo tăng gấp gần 5,5 lần chỉ sau khoảng 4 năm nữa.
Thị trường thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục "bùng nổ" trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
Về giao nhận, trong 12 tháng của năm 2021, chỉ riêng Ninja Van Group đã vận chuyển hơn 2 triệu kiện hàng mỗi ngày trên khắp các quốc gia được đề cập trong báo cáo là Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu doanh số ở thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng nhanh và quần áo thời trang, giày dép.
Báo cáo nhận định, khi khách hàng đã quen thuộc với mua sắm trực tuyến, họ có khả năng sẽ bắt đầu các hoạt động mua bán xuyên biên giới. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát đã từng mua hàng từ các trang web nước ngoài ít nhất 1 lần. Ngoài việc mua sắm hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á, nhiều người chia sẻ rằng họ còn mua hàng từ các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Trên thực tế, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu mua sắm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử của Việt Nam bùng nổ không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở nông thôn. Nhu cầu mua hàng phù hợp với túi tiền, mẫu mã, chất lượng… của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, từ đó các cụm từ như "hàng nội địa Trung", "hàng nội địa Thái", "hàng nội địa Nhật",... trở thành từ khóa nổi bật trong hệ thống tìm kiếm trên các nền tảng thương mại điện tử.
Để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam/chủ cửa hàng kinh doanh online (tổng kho, đại lý...) đã bắt đầu tìm kiếm nguồn hàng tại các quốc gia này để mang về phục vụ cho thị trường trong nước. Số liệu từ dịch vụ nhập hàng quốc tế Ninja Direct cho thấy, chỉ sau chưa đầy 3 năm, đã có hơn 600 doanh nghiệp/chủ cửa hàng kinh doanh online (tổng kho, đại lý,...) thường xuyên sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu, phát sinh hơn 2.000 đơn hàng vận chuyển quốc tế tạo ra giá trị thương mại trung bình hơn 60 tỉ đồng mỗi tháng.
Ở một khía cạnh khác về trải nghiệm mua sắm trực tuyến, các chỉ số trong báo cáo chứng minh giao hàng là giai đoạn cuối cùng của quá trình mua sắm trực tuyến, và có vai trò vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm tổng thể của khách hàng.
85% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam chia sẻ rằng, họ muốn biết rõ công ty chuyển phát nào sẽ nhận bưu kiện của họ. Thông tin này giúp họ yên tâm hơn và tạo cảm giác chất lượng dịch vụ được bảo đảm. Nhiều người cũng bày tỏ mong muốn có thể theo dõi thời gian giao hàng thực tế của bưu kiện, phản ánh, góp ý về các dịch vụ và yêu cầu công cụ hỗ trợ cho phép người mua điều chỉnh phương thức giao hàng phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Ngoài ra, 26% số người mua hàng cho rằng yếu tố miễn phí giao hàng là một động lực thúc đẩy việc mua hàng trực tuyến của họ. Từ đó có thể thấy các chương trình miễn phí giao hàng là một chiến thuật thành công của các sàn thương mại điện tử.