Đổi đời với nghề "ô sin"
Vương Thụ Quân (SN 1971, quốc tịch Trung Quốc) từng là công nhân tại một nhà máy điện tử ở Thâm Quyến. Mặc dù công việc ở quê nhà mang lại thu nhập ổn định, cô buộc phải chuyển đến Thành Đô sau khi sinh con để sống gần gia đình.

Cô Vương Thụ Quân mua được nhà sau nhiều năm làm giúp việc cho người giàu (Ảnh: Zhu Jingying).
Những ngày đầu ở Thành Đô, cô thuê một căn hộ chật chội, phải sống cùng với hai gia đình khác, chỉ có tấm rèm vải mỏng ngăn cách khu vực sinh hoạt.
Để có tiền trang trải cuộc sống ở thành phố lớn, cô bắt đầu làm nghề giúp việc theo giờ cho người giàu theo lời giới thiệu của người quen. Không ngờ, công việc này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Vương Thụ Quân và gia đình.
Thời điểm ấy, cô làm việc không nghỉ ngày nào. Người phụ nữ thường nhận dọn dẹp xoay vòng cho hơn 10 hộ gia đình cùng lúc.
Sau nhiều năm nỗ lực, từ công việc này, Vương Thụ Quân mua được căn hộ rộng 80m2 ở trung tâm thành phố. Không lâu sau, cô còn mua thêm căn hộ 30m2 rồi cho thuê.
Con gái của cô được đi học đại học, đỗ kỳ thi công chức và trở thành cảnh sát ở Thành Đô.
Là giúp việc giống Vương Thụ Quân nhưng Bao Shiying (SN 1972) có xuất phát điểm đỡ vất vả hơn. Cô Bao đến từ Zhengxing, một thị trấn cách trung tâm TP Thành Đô khoảng 30 phút lái xe.
Cô và chồng từng làm đầu bếp tại các công trường xây dựng, sau đó nghỉ việc và trở thành chủ quầy phục vụ ăn uống tại căng tin ở trường học.
Dù đã ngoài 50 tuổi, cô Bao vẫn quyết định làm thêm nghề giúp việc nhà thay vì nghỉ hưu sớm. Vợ chồng cô muốn kiếm thêm tiền cho con gái đi du học ngành kiến trúc.

Sở hữu 2 căn nhà nhưng cô Bao vẫn đi làm giúp việc (Ảnh: Zhu Jingying).
Những người giúp việc như cô Bao và Quân có thể kiếm được 5.000-8.000 NDT/tháng (tương đương với 17-28 triệu đồng). Tại Trung Quốc, nhiều cử nhân ra trường cũng không có được công việc có thu nhập cao như họ.
Phát triển sự nghiệp nhờ giúp việc cho nhà giàu
Không chỉ có được thu nhập cao, nhiều người giúp việc cho nhà giàu còn học hỏi được nhiều ở của gia chủ và sau đó phát triển sự nghiệp bản thân theo hướng riêng.

Cô Tan ghi lại cảnh làm việc hàng ngày và đăng tải lên mạng xã hội (Ảnh: Zhu Jingying).
Nữ giúp việc Tan Yongfang sau nhiều năm làm nghề này đã nảy ra ý tưởng ghi lại quá trình đi làm của mình là đăng tải lên mạng xã hội.
Chủ của cô làm việc trong lĩnh vực kinh doanh. Họ rất ủng hộ Tan làm thêm công việc sáng tạo nội dung và thậm chí cho cô nhiều lời khuyên về tài chính.
Kiến thức và trải nghiệm của họ đã tác động tích cực, giúp mở mang tầm mắt của Tan. Đến nay, nữ giúp việc này không chỉ làm nội dung về công việc giúp việc nhà mà còn có khả năng chia sẻ kiến thức tài chính trên mạng.
Không ít người giúp việc sau thời gian làm lụng, tích cóp để có cuộc sống khá giả vẫn quyết định ở lại hỗ trợ gia chủ vì mối liên kết tình cảm sâu sắc.
Zeng Cailan, làm giúp việc cho một gia đình suốt 20 năm. Thời gian đầu, cô là bảo mẫu. Đến khi con cái của chủ nhà trưởng thành, cô chuyển sang chăm sóc bố mẹ giúp gia chủ.
Đến khi hai cụ già qua đời ở tuổi 90, cô Zeng vẫn ở lại làm việc cho gia đình này, tiếp tục đưa đón cháu chắt của họ đến trường. Nữ giúp việc đã gắn bó và chăm sóc 4 thế hệ của gia đình giàu có đó.
Nhiều người nghĩ rằng cuộc sống của Zeng khó khăn nên cô mới phải làm việc ở tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, thực tế cô Zeng có nhà ở trung tâm Thành Đô. Con trai cô cũng đã tốt nghiệp đại học, được gia chủ hỗ trợ tìm việc làm. Họ xem mẹ con cô Zeng như người thân, thường mời cô về nhà cùng đón Tết Nguyên đán.