Tình trạng mạo danh rao bán suất mua nhà ở xã hội, với các lời quảng cáo, hứa hẹn suất ngoại giao, tư vấn pháp lý... đang tiếp tục tái diễn tại một số dự án có vị trí đẹp, sắp đủ điều kiện bán hàng. Ngoài ra, việc đăng ký mua nhà ở xã hội cũng xuất hiện một số vấn đề, như đã có nhà ở nhưng vẫn đăng ký tham gia bốc thăm.
Tại dự án nhà ở xã hội được chú ý nhất thời gian qua ở Hà Nội, sau sự kiện bốc thăm công khai hồi tháng 5, chủ đầu tư cho biết, họ nhận được thông tin có những khách hàng mất tiền cọc cho môi giới, nhưng vẫn trượt bốc thăm suất mua nhà ở xã hội. Hiện nay, những cá nhân này phải tự xoay xở đòi lại tiền cọc.
Ngay trước khi tiến hành bốc thăm công khai, chủ đầu tư đã đưa ra các cảnh báo tới người mua nhà. Những trường hợp vẫn cố tình làm việc qua môi giới phải tự chịu trách nhiệm.
"Quá trình trước khi mở bán, chúng tôi đã đưa ra cảnh báo trên các phiên tiện thông tin đại chúng, website của công ty là không làm việc với bất cứ sàn bất động sản, chúng tôi chỉ làm việc tại trụ sở công ty. Khi khách hàng bốc thăm trúng quyền mua thì cũng ký cam kết với công ty là không qua sàn môi giới bất động sản nào. Trong cam kết xác định rõ loại bỏ trách nhiệm của NHS đối với việc đó, thực tế chúng tôi cũng làm rất công khai, minh bạch", bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng NHS, cho biết.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang nỗ lực tăng nguồn cung nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Sau khi tổ chức bốc thăm, công ty này đã gửi danh sách 149 người bốc trúng suất mua tới Sở Xây dựng Hà Nội, để các cơ quan chức năng thẩm định lại. Kết quả phát hiện có 7 trường hợp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các vị trí khác, nhưng vẫn tham gia bốc thăm và bốc trúng. Thậm chí, có trường hợp đang sở hữu 300 m2 đất. Công ty đã hủy quyền mua của các trường hợp này và sẽ tổ chức bốc thăm lại lần 2 để tìm chủ nhân mới cho 7 căn hộ trên.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, hiện nay các thông tin đã được số hóa, nên các trường hợp gian dối về nhà ở, về thu nhập cá nhân sẽ bị loại bỏ.
"Chủ đầu tư sẽ lập một danh sách dự kiến ký hợp đồng gửi cho Sở Xây dựng. Trên cơ sở đó Sở Xây dựng sẽ lấy ý kiến của các quận, huyện, thị xã, Sở Tài Nguyên và Môi trường rà lại đất đai, nhà ở, Cục Thuế liên quan tới thu nhập. Nếu phát hiện đối tượng đã có nhà ở, đất ở sẽ thanh lý hợp đồng, thu hồi lại nhà ở xã hội", ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP Hà Nội, thông tin.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, hiện thành phố đang nỗ lực tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Cụ thể, Hà Nội chuẩn bị triển khai 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung ở Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh.