Phong cách sống

Mua nhà có phải là điều kiện tiên quyết để kết hôn?

Kết hôn không chỉ là cầu hôn, đi đăng ký rồi tiến đến hôn nhân. Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng để tránh những rắc rối không cần thiết trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng cần thảo luận kỹ càng đặc biệt trong câu chuyện tài chính.

Một trong những yếu tố quan trọng cần bàn bạc là câu chuyện mua nhà. Người xưa đã có câu “an cư lạc nghiệp”. Liệu tại thời điểm bây giờ, người trẻ có còn cho rằng mua nhà là điều kiện tiên quyết để tiến tới hôn nhân?

“Khi xác định tiến đến hôn nhân, bọn mình rất nghiêm túc thảo luận mua nhà”

Trọng Trung (30 tuổi) đã kết hôn được 1 năm và mua căn nhà sau khi hoàn thiện là 4,5 tỷ đồng với diện tích 105 m2. Anh chia sẻ rằng trong thời tìm hiểu cả hai không hay nhắc đến chuyện mua tài sản chung, tuy nhiên, khi bàn đến hôn nhân, đây là chủ đề được thảo luận tích cực. “Bởi ngoài lúc đi làm nhà sẽ là nơi cả hai dành thời gian rất nhiều ở đó. Do đó, một căn nhà ưng ý sẽ khiến cuộc sống sau hôn nhân trở nên thực sự đáng giá”.

Trước khi kết hôn, Trọng Trung cùng vợ đã tham khảo khá nhiều dự án để có cái tổng quát hơn về thị trường BĐS trong khu vực. Thời gian và công sức vợ chồng dành cho việc chọn dự án, mua nhà, thiết kế thi công còn hơn cả lên kế hoạch đám cưới.

Mua nhà có phải là điều kiện tiên quyết để kết hôn? - Ảnh 1.
Mua nhà có phải là điều kiện tiên quyết để kết hôn? - Ảnh 2.
Mua nhà có phải là điều kiện tiên quyết để kết hôn? - Ảnh 3.
Mua nhà có phải là điều kiện tiên quyết để kết hôn? - Ảnh 4.

Một góc căn nhà xinh xắn của Trọng Trung

Tuy nhiên, để xác định rằng việc mua nhà có phải yếu tố tiên quyết trong chuyện kết hôn hay không, Trọng Trung cho cho rằng nó tùy thuộc từng hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình và quan trọng tài chính cả hai đã chuẩn bị đến đâu. Nếu vợ chồng đã sẵn sàng về hầu hết mọi mặt, Trọng Trung cho rằng ngay sau khi kết hôn sẽ là thời điểm thích hợp bắt đầu lên kế hoạch có một căn nhà riêng.

“Bản thân hai vợ chồng mình sau khi đạt được mục tiêu mua nhà cũng lên kế hoạch có em bé trong trạng thái thoải mái hơn hẳn, bởi lúc này có thể yên tâm là khi em bé ra đời, bố mẹ đã xây dựng được tổ ấm đầy đủ. Chính điều này cũng là một trong những lý do chính thôi thúc hai đứa đẩy nhanh tiến độ mua nhà”, Trọng Trung chia sẻ.

Đã tính đến chuyên mua nhà nhưng chưa phải thời điểm thích hợp

Sam (27 tuổi) lúc bàn chuyện kết hôn có thảo luận đến chuyện mua nhà. “Chồng mình là người Hà Nội, hiện tại thì tụi mình đang ở TP Hồ Chí Minh và ở chung với gia đình của mình. Tụi mình cũng kế hoạch mua nhà để có không gian sinh hoạt riêng”.

Cô chia sẻ lý do trì hoãn chuyện mua nhà là bởi vì cầm một cục tiền to đi mua nhà thì số vốn đó sẽ bị kẹt lại tại một chỗ. Thay vào đó, Sam cùng chồng muốn “tiền đẻ ra tiền”, đầu tiên đưa số tiền đó đi đầu tư. Khi đầu tư thuận lợi, khoản lãi tăng lên cùng lãi kép, lặp đi lặp lại cho đến thời điểm tốt nhất để mua nhà sẽ phù hợp hơn với tài chính gia đình của cô.

“Nếu không gian sống không đáp ứng được ví dụ bạn sinh em bé, hay nhà quá đông thì cũng có thể cân nhắc để có một căn nhà riêng. Tất nhiên tùy vào kế hoạch của mỗi người và hoàn cảnh”, quan điểm của Sam khi nhắc đến câu chuyện có nên mua nhà riêng ngay khi kết hôn không.

Cô cho rằng giá bất động sản đang khá “nóng”, do vậy để quyết định vợ chồng có nên mua nhà hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu và hoàn cảnh mỗi người. “Nếu bạn là người ở nơi khác và làm việc tại TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, mình nghĩ có được một căn nhà cho mình là điều tuyệt vời. Người ta cũng có câu an cư lập nghiệp”.

Mua nhà có phải là điều kiện tiên quyết để kết hôn? - Ảnh 5.

Sam

Người độc thân suy nghĩ gì về chuyện mua nhà kết hôn?

Quan điểm của Thục Linh (23 tuổi): Mua nhà là yếu tố khá quan trọng khi bàn đến chuyện kết hôn. Cô bạn cho rằng khi đạt được điều đó cuộc sống vợ chồng sẽ thoải mái hơn trong không gian của riêng mình. Không những vậy, vợ chồng sẽ có mối gắn kết với nhau khi sở hữu tài sản chung, đánh dấu bước đầu trong cuộc sống hôn nhân.

“Nếu có điều kiện, mình nghĩ bàn chuyện và mua nhà càng sớm càng tốt. Nếu được, mình mong muốn có trước khi kết hôn khoảng nửa năm để vợ chồng sắp xếp, trang trí nhà cửa. Có nhà cũng quan trọng khi sinh con bởi vì như vậy em bé sẽ có môi trường sống đầy đủ hơn”, Thục Linh chia sẻ.

Cô bạn cho rằng, để mua nhà cần lên kế hoạch cụ thể trước 1-2 năm để chuẩn bị về mặt kinh tế cũng như chủ động trong thời gian. “Điều quan trọng nhất là cần có đủ kinh tế. Thứ 2 là sự đồng thuận của hai vợ chồng”.

Mua nhà có phải là điều kiện tiên quyết để kết hôn? - Ảnh 6.

Thục Linh

Muốn mua nhà, vợ chồng nên chuẩn bị từ lúc nào?

Trọng Trung cho rằng thời điểm thích hợp nhất với mình là sớm nhất có thể. Bởi khi đối chiếu theo trải nghiệm cá nhân, anh cho rằng dù sao cũng phải cùng nhau thảo luận, hãy chủ động nói chuyện với bạn đời của mình sớm để cả hai có kế hoạch tài chính rõ ràng. Kế hoạch tài chính càng sớm, càng rõ ràng bao nhiêu thì thời gian chúng ta đạt được mục tiêu đó càng sớm bấy nhiêu.

Có 3 bước Trong Trung cho rằng cần lưu ý khi lên kế hoạch tài chính mua nhà:

Nợ và cơ cấu nợ: Cần xem xét rõ hiện nay hai bạn còn nợ bao nhiêu (Nợ ở đây có thể là nợ ngân hàng, nợ thẻ tín dụng, nợ người thân bạn bè…). Nếu có nợ, cần lên kế hoạch trả nợ nhanh nhất bởi nếu bước này chưa thực hiện xong thì rất khó thực hiện những bước tiếp theo.

Thu nhập: Đây là phần hai bạn cũng cần sự cởi mở, bao gồm thu nhập từ công việc chính và bên ngoài. Phải nắm rõ tổng thu nhập hàng tháng của cả hai mới xây dựng được kế hoạch mua nhà chi tiết.

Tích lũy và đầu tư: Khi đã nắm rõ được tổng thu nhập của nhau, cả hai nên xây dựng một bảng chi tiết về phân bổ các khoản thu nhập này ra sao.

Mua nhà có phải là điều kiện tiên quyết để kết hôn? - Ảnh 7.

Trọng Trung

Khi nhắc đến câu chuyện lên kế hoạch mua nhà, Sam chia sẻ rằng đã lên kế hoạch từ lúc bắt đầu xác định cưới. Tới giờ cũng 2 năm hơn, kế hoạch cũng thay đổi do những tác động bên ngoài.

“Chung quy là vợ chồng nên có kế hoạch tài chính cá nhân. Tuỳ thuộc mục tiêu là gì thì sẽ cân nhắc cái cần chi, hay cái chưa cần thiết phải chi tại thời điểm đó. Cũng như việc mua nhà, nếu bạn cảm thấy nó là nhu cầu ưu tiên thì hãy mua, còn nếu bạn chưa thấy nó quá cần thiết và vẫn có những lựa chọn khác (có thể không quá tốt nhưng vẫn đủ) thì có thể để sau”, Sam chia sẻ.

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm