Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tỉnh Đồng Nai là lời cảnh tỉnh cho các cơ sở thực phẩm không thể coi thường sức khỏe người tiêu dùng vì ngộ độc có thể xảy ra ở bất kỳ lúc nào, nơi nào, nếu không tuân thủ các quy định về bảo quản, chế biến thực phẩm.
Vi khuẩn nào thường gây ngộ độc trong mùa hè?
Những ngày gần đây, người dân cần đặc biệt lưu ý vấn đề ăn uống bên ngoài và lưu trữ thực phẩm. Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển với cấp số nhân, sinh ra độc tố trong thực phẩm dễ gây ngộ độc.
Chỉ trong vòng 8 tháng, từ tháng 9-2023 đến tháng 5-2024, cả nước đã xảy ra ba vụ ngộ độc lớn và hàng loạt vụ ngộ độc nhỏ khiến hơn 1.000 người nhập viện.
Tính riêng năm 2023, có 28 người tử vong do ngộ độc thực phẩm và có xu hướng gia tăng so với năm 2022.
Các vụ ngộ độc lớn với số lượng bệnh nhân nhiều xảy ra liên tiếp thời gian gần đây: ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2 tại tỉnh Quảng Nam (313 người); ngộ độc sau khi ăn cơm gà Trâm Anh ở tỉnh Khánh Hòa (368 người); mới đây nhất là hơn 500 người đã bị ngộ độc ở tiệm bánh mì Cô Băng (tỉnh Đồng Nai).
Đa số các kết quả kiểm nghiệm thực phẩm hoặc bệnh phẩm (bánh mì, thịt heo xá xíu, cơm gà, gà nướng...) của các vụ ngộ độc trên đều có sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella spp. Ngoài ra còn một số các loại vi khuẩn khác như E.coli, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus...
Chú ý các thực phẩm nào?
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay vi khuẩn Salmonella là vi khuẩn đường ruột, có trong phân người, động vật bị nhiễm bệnh và môi trường.
Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6 giờ đến 72 giờ sau khi ăn, thông thường là từ 18 giờ đến 36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt, một số ít còn bị buồn nôn ói mửa.
Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày. Đôi khi cần vài tháng để thói quen đại tiện và phân trở lại bình thường. Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.
Một số loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella như: thịt gia cầm và các sản phẩm từ thịt; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa và các sản phẩm từ sữa; các loại thực phẩm khác; trái cây và rau củ, sôcôla, ngũ cốc, bơ đậu phộng, bánh, gia vị...
Các yếu tố góp phần gây ra ngộ độc như: bảo quản thức ăn ở nhiệt độ phòng trong thời gian quá lâu (hơn 2 tiếng); nhiệt độ hâm nóng chưa đạt yêu cầu, bảo quản thực phẩm làm lây nhiễm chéo, thực phẩm bị nhiễm bệnh, chạm tay vào thực phẩm đã chế biến sẵn...
Ngoài ra, một số loại vi khuẩn khác thường gây ngộ độc trong mùa hè như: Escherichia coli (E.coli) khiến người bệnh buồn nôn và nôn, tiêu chảy ra nước hoặc máu; vi khuẩn Campylobacter là tác nhân thường gặp gây viêm dạ dày và ruột...
Chuyển hồ sơ vụ ngộ độc bánh mì qua cơ quan điều tra
Liên quan vụ ngộ độc sau ăn bánh mì Đồng Nai, ngày 6-5 lãnh đạo UBND TP Long Khánh (Đồng Nai) cho hay đã chuyển vụ hơn 500 người nhập viện sau khi ăn bánh mì qua cơ quan công an điều tra dấu hiệu tội phạm.
"UBND thành phố Long Khánh đã giao cơ quan chuyên môn xác định hành vi vi phạm hành chính của cơ sở. Tuy nhiên theo quy định, vụ này có dấu hiệu tội phạm nên phải chuyển qua cơ quan điều tra. Sau khi có kết quả điều tra từ cơ quan công an, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự thì UBND thành phố Long Khánh sẽ tiếp tục các bước xử lý vi phạm hành chính", vị lãnh đạo UBND TP Long Khánh nói.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, tính đến chiều 5-5, có tổng cộng 545 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì. Trong đó, 338 người theo dõi, điều trị tại các bệnh viện, 207 người đã xuất viện.
Đối với bệnh nhi tiên lượng rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện đang có tiến triển tốt, đã ngưng lọc máu, các triệu chứng giảm, tự mở mắt được. Ngoài ra, 1 ca khác đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM điều trị.
Bất an với thức ăn đường phố
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, trong hoạt động kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, các đoàn công tác liên ngành vẫn kiểm tra một số điểm bán thức ăn đường phố có địa chỉ cố định.
Tuy nhiên, số lượng các điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn quá nhiều, nhiều xe đẩy, gánh hàng rong không cố định nên rất khó quản lý.
Riêng tại TP Long Khánh, sau khi vụ ngộ độc hàng loạt xảy ra, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các địa điểm kinh doanh ăn uống.
Một lãnh đạo UBND TP Long Khánh cho biết thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã tăng cường rà soát, kiểm tra các nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… nhằm phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong đó, các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh.
Tại TP.HCM, theo thống kê của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện thành phố có 15.400 điểm bán thức ăn đường phố có quản lý. Còn lại những điểm bán thức ăn đường phố không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, những cơ sở này đa số là nhỏ lẻ được quận, huyện quản lý nên hoàn toàn trông chờ vào quản lý, thanh tra, kiểm tra.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đặc thù của thức ăn đường phố rất đáng lo vì đây là những hàng quán di động, khó đảm bảo vệ sinh, nguy cơ cao dính bụi bặm, côn trùng xâm nhập.
Do vậy các địa phương cần phải tập trung kiểm soát thức ăn đường phố, nhất là tăng cường tập trung, kiểm soát nguồn nguyên liệu…
Tại thành phố về lâu dài sẽ chuẩn bị tuyến phố tập trung thức ăn đường phố để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15-4 đến 15-5), Sở An toàn thực phẩm TP.HCM thành lập 11 đoàn kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố với số lượng cơ sở dự kiến kiểm tra 2.366 cơ sở.
Bác sĩ Trương Thị Minh Hiền - khoa dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dẫn đến thực phẩm mất các chất dinh dưỡng, mất an toàn vệ sinh, thậm chí có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.
Đáng nói, nhiệt độ từ 37 - 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp ba lần so với thời tiết bình thường. Đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao thì dù thức ăn được nấu chín, đun sôi thì độc tố vẫn còn, người dùng vẫn có nguy cơ ngộ độc.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng nên hạn chế ăn thức ăn đường phố. Nếu sử dụng phải lựa chọn cơ sở uy tín, có người bán hàng đeo khẩu trang, bao tay, có tủ kiếng, nắp đậy để tránh côn trùng...