Doanh nghiệp

"Mùa đông gọi vốn" qua góc nhìn của các sếp Koru Capital, STI và Do Ventures: Khó exit là nguyên nhân quan trọng nhất khiến các quỹ chùn tay với thị trường Việt Nam

"Mùa đông gọi vốn' sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024?

Báo cáo của Tracxn Technologies - Nền tảng dữ liệu thị trường về đầu tư mạo hiểm, cho thấy, trong quý I/2024 (tính đến 15/3/2024) các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á đã gọi thành công 816 triệu USD.

Con số này giảm tới 40% so với tổng nguồn vốn 1,36 tỷ USD huy động được trong quý I/2023 và giảm 13% so với 935 triệu USD huy động được trong quý IV/2023.

Nguyên nhân của sự sụt giảm chủ yếu đến từ sự thiếu vắng các thương vụ gọi vốn ở giai đoạn cuối. Số vốn rót vào các startup ở những vòng cuối của quý I/2024 chỉ là 175 triệu USD, giảm tới 80% so với mức 860 triệu USD của quý IV/2023.

Cụ thể, trong quý I/2024, không có vòng gọi vốn nào vượt quá giá trị 100 triệu USD. Chỉ có 3 công ty khởi nghiệp công nghệ ở Singapore huy động được lần lượt 60 triệu USD, 75 triệu USD và 90 triệu USD.

Riêng tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ đã huy động được tổng số vốn là 35,7 triệu USD trong quý I/2024, giảm 39% so với cùng kỳ 2023. Phần lớn nguồn vốn được thống kê là đổ về Be Group, khi họ nhận được 31,2 triệu USD trong vòng Series B. Theo đó, thương vụ gọi vốn của Be Group chiếm hơn 87% tổng vốn huy động cả thị trường.

Bên cạnh đó, hầu như không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc thoái vốn, chỉ có hai thương vụ mua lại và không có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Còn theo báo cáo của Do Ventures và NIC, năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022. Chưa hết, theo nhiều nguồn dữ liệu, mức định giá của các startup Việt giảm từ 10% đến 40% so với năm 2022.


Việc khó exit khiến các startup khởi nghiệp Việt bớt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư

"Có rất nhiều nguyên nhân khiến dòng vốn rót vào thị trường Việt Nam trở nên nhỏ giọt trong vài năm trở lại đây.

Đầu tiên là nhiều công ty Việt Nam không có thói quen và nhu cầu gọi vốn, họ muốn phát triển từ tốn, chậm mà chắc. 

Thứ hai, như đã nói ở trên, doanh nghiệp tốt có thể gọi được vốn thì không có nhu cầu, còn doanh nghiệp có nhu cầu thì không đủ tốt.

Thứ ba, nhiều startup sau khi gọi được vốn khủng thì 'đốt tiền' vô tội vạ và xem tiền của nhà đầu tư chẳng khác nào cỏ rác. 

Cuối cùng và quan trọng nhất, là không có bất cứ thương vụ đầu tư mạo hiểm nào thật sự exit thành công trong 5 năm gần đây", ông Nguyễn Mạnh Khôi – Đồng sáng lập và CEO của Koru Capital chia sẻ trong tọa đàm do quỹ Genesia Ventures tổ chức.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi – Đồng sáng lập và CEO của Koru Capital (ngoài cùng bên trái)

Koru Capital là nhà tư vấn giúp chuỗi mỹ phẩm Hasaki và chuỗi nha khoa ParkWay tiến hành các vòng gọi vốn gần nhất. Theo thông tin từ DealStreetAsia, Alibaba - thông qua đơn vị thành viên Alibaba International Digital Commerce Group (AIDC) đã đồng ý mua cổ phần thiểu số của Hasaki.

CEO Koru Capital nhấn mạnh, kể từ sau những thương vụ thoái vốn thành công lớn khỏi Masan, Yeah1, Thế Giới Di Động hay FPT Retail của các quỹ đầu tư kỳ cựu như VinaCapital hay Mekong Capital, thì thị trường Việt Nam không đón nhận thêm bất cứ tin vui nào nữa. Điều này đã khiến các quỹ đầu tư trong và ngoài nước trở nên chùn tay hơn khi xuống tiền cho các startup Việt Nam, đặc biệt là ở trong các vòng gọi vốn C hoặc D.

"Tuy nhiên, đây là tình trạng chung của các thị trường mới nổi ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư cũng đang 'sa lầy' ở thị trường Indonesia, chứ không riêng gì Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Khôi cho hay.

IPO được xem là con đường thoái vốn chính thống với các quỹ đầu tư khi rót vốn vào các startup. Tuy nhiên, các startup, kể cả 'kỳ lân' như VNG, MoMo hay VNLife đều chưa lên được sàn chứng khoán HOSE hay HNX tại Việt Nam. VNG mới lên được sàn UpCom và có kế hoạch IPO ở Mỹ nhưng những bước tiến hành cuối cùng vẫn đang bỏ ngỏ.

Indonesia đã có 10 'kỳ lân', nhưng phải tới năm 2021 mới có 'kỳ lân' đầu tiên xuất hiện trên sàn chứng khoán là Bukalapak. GoTo đi sau nhưng còn làm tốt hơn Bukalapak, khi họ vừa lên được sàn Indonesia vừa lên được sàn Mỹ. Tuy nhiên, những Traveloka, Ovo, JD.id, J&T Express, Xendit… vẫn chưa thể tìm được cánh cửa để bước vào sảnh đường các công ty đại chúng.

Ông Phan Minh Tâm – Nhà đầu tư thiên thần kiêm Chủ tịch quỹ STI

Đồng quan điểm, ông Phan Minh Tâm – Nhà đầu tư thiên thần kiêm Chủ tịch STI có thể được xem một 'người già' trong làng đầu tư khởi nghiệp Việt Nam và từng nhiều lần được trải nghiệm nỗi đau 'tiền đầu tư như ném đá ao bèo'.

Thành danh với Tập đoàn công nghệ truyền thông 24h, Siêu Việt hay 30Shine; hiện danh mục đầu tư của STI khá đa dạng với các startup ở đủ giai đoạn và ngành nghề như M Village, JupViec, Rever, Ecomobi, ANTS, Vietnam Australia Vocational College, Kyna Kids…

"Tôi không nhớ là mình đã đầu tư và hỗ trợ vận hành bao nhiêu startup, chắc cũng phải trên 10. Vì sợ không exit được, nên trong những ngày đầu đầu tư vào khởi nghiệp, tôi đã tìm đủ mọi cách để hỗ trợ các Nhà sáng lập và CEO vận hành doanh nghiệp.

Theo quan điểm của tôi, không phải văn hóa doanh nghiệp hay việc thiếu nhân tài, mà chính khả năng vận hành doanh nghiệp yếu kém của lãnh đạo startup đã khiến các dự án đi chậm và thiếu hiệu quả. Với những gì tôi thấy, thường thì Nhà sáng lập gần tới tuổi 40 mới chín chắn đủ để đảm đương. Vậy nên, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thật sự kiên nhẫn với các Nhà sáng lập và startup", ông Phan Minh Tâm nhận định.

Trong giới khởi nghiệp, ông Phan Minh Tâm được biết đến là một nhà đầu tư đặc biệt có tâm và luôn hết mình hỗ trợ các startup khi họ đến gặp, dù ông có đầu tư hay không.


Những giải pháp hỗ trợ tăng tỷ lệ exit thành công ở thị trường Việt

"Tôi mong, trong tương lai, Chính phủ có những chính sách đặc biệt để các 'kỳ lân' hoặc startup công nghệ trưởng thành có thể IPO, giúp các Nhà đầu tư trong và ngoài nước thoái vốn thành công. Có như vậy, thì các startup Việt mới có thể hấp dẫn các nhà/quỹ đầu tư, lớn mạnh nhanh chóng và tạo ra được nhiều tác động tốt cho xã hội", Chủ tịch quỹ STI đề nghị.

Khác với ông Phan Minh Tâm, Co-Founder Lê Hoàng Uyên Vy hay Do Ventures là "tay chơi" mới trên thị trường đầu tư khởi nghiệp. Hơn nữa, Do Ventures chuyên đầu tư giai đoạn sớm, nên họ vẫn chưa phải nếm trải nỗi đau "không thể exit". Điểm chung có lẽ là ở Founder của Do Ventures là Shark Dzũng Nguyễn cũng hết mình hỗ trợ startup Việt như ông Phan Minh Tâm.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Co-Founder Do Ventures

"Khi gặp bất cứ startup nào, Do Ventures cũng nhìn vào mô hình kinh doanh, tiềm năng thị trường và Ban lãnh đạo trước khi quyết định có xuống tiền hay không. Tôi rất đồng cảm với anh Khôi, đúng là Việt Nam có tình trạng startup cần tiền thì không đủ hấp dẫn nhà đầu tư và ngược lại.

Còn để phòng ngừa việc các Nhà sáng lập 'đốt tiền' của nhà đầu tư, chúng tôi thường khuyên các startup giai đoạn đầu không nên gọi vốn quá nhiều. Nếu không có nhiều tiền thì không thể 'đốt' được!", bà Lê Hoàng Uyên Vy bổ sung.

Còn về vấn đề exit, ngoài IPO, các Quỹ đầu tư có thể tìm các giải pháp khác như M&A hay bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư khác. "Rất nhiều Nhà đầu tư tốt của Nhật Bản đã đến Việt Nam, nên nếu muốn exit khỏi startup tiềm năng nào đó, các Nhà/Quỹ đầu tư có thể tìm đến họ", CEO của Do Ventures kết luận.

Năm 2021, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) cũng mua 49% vốn điều lệ tại FE Credit với mức định giá là 2,8 tỷ USD; hay khoản đầu tư 200 triệu USD do Ngân hàng Mizuho dẫn dắt đã được đổ vào MoMo. Bên cạnh đó, Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam là Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm