Đóng cửa, VN-Index tăng 4,68 điểm (0,37%) đạt 1.261,24 điểm, HNX-Index giảm 0,51 điểm (0,21%) xuống 239,68 điểm, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,07%) lên 98,9 điểm.
VN-Index về cuối phiên chiều có hồi phục nhưng chưa có sự lan tỏa trên toàn thị trường. Độ rộng thị trường ghi nhận 432 mã tăng giá, 425 mã giảm giá và 236 mã đứng giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 976 triệu đơn vị, tương đương hơn 22.633 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch trên HOSE đạt hơn 20.800 tỷ đồng.
Về cuối phiên, các cổ phiếu bluechips tiếp tục giao dịch tích cực giúp VN-Index lấy lại mốc 1.260 điểm. Cổ phiếu GVR bật trần lên 35.950 đồng/cp, đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của VN-Index. Cùng chiều, BCM tăng 4,8% lên 66.000 đồng/cp, PLX (+3,4%), POW (+2%), FPT (+1,4%), MWG (+1%), …
Chiều ngược lại, VCB đảo chiều giảm 0,4% và trở thành lực cản mạnh nhất trên thị trường. Ngoài ra, sắc đỏ của CTG, VHM, VRE, SAB, VNM, MBB cũng ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu phân bón, hóa chất đảo chiều hồi phục với BFC tăng 3,6% lên 38.900 đồng/cp, DCM và DPM tăng lần lượt 1,5% và 1,1%, … Ở nhóm dầu khí, PSH duy trì sắc tím trần khi đóng cửa, PVO, PLX, BSR, OIL, PVI ghi nhận mức tăng 1 – 4,2%. PVB và GAS xanh nhẹ hơn với tỷ lệ tăng dưới 1%.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 5,31 điểm (0,42%) về 1.251,25 điểm, HNX-Index giảm 1,74 điểm (0,72%) xuống 238,45 điểm, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (0,45%) còn 98,39 điểm.
Áp lực bán ngày càng lớn khiến VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.250 điểm, tuy nhiễn lực cầu bắt đáy tại khu vực này giúp chỉ số tạm thới cân bằng trở lại, dừng phiên sáng ở mốc 1.251,25 điểm.
Sự đảo chiều của nhóm vốn hóa lớn là tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu. Từ mức hồi phục khiêm tốn đầu phiên, rổ VN30 diễn biến tiêu cực sau đó, kết thúc phiên sáng với 20 mã giảm/6 mã tăng. Trong đó, lực cản chính đến từ các cổ phiếu nhóm ngân hàng như CTG, VPB, ACB, TCB, MBB, … Chiều ngược lại, GVR, VCB là hai trụ đỡ chính với tổng mức đóng góp gần 1,5 điểm cho VN-Index.
Nhóm vốn hóa vừa cũng chịu áp lực điều chỉnh với sắc đỏ phủ bóng. Các mã giảm hơn 2% có thể kể đến như CTR (-3,2%), DBC (-2,6%), OCB (-2,4%), TCH (-2,3%), KDH (-2,2%), … Chiều ngược lại, PPC tăng 3,8% lên 16.350 đồng/cp, cùng với TLG (+1,8%), AAA (+1,7%), VND (+1,5%), …
Ở nhóm vốn hóa nhỏ, một số cổ phiếu vẫn giao dịch khởi sắc như PSH tăng trần lên 6.380 đồng/cp, DRC cũng tăng 6,9% lên 37.400 đồng/cp, cùng với TRC (+5,3%), APG (+3,1%), VPH (+2,7%), DPR (+2,2%), …
Sắc đỏ lan rộng trên bảng điện với 522 mã giảm, 272 mã tăng và 189 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, phe bán cũng áp đảo trên HOSE với 297 mã đỏ/108 mã xanh. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt gần 10.126 tỷ đồng, tường đương gần 462 triệu cổ phiếu được mua – bán. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 11% so với phiên trước đạt gần 9.200 tỷ đồng.
Tính đến 9h50, VN-Index tăng 5,71 điểm (0,45%) đạt 1.262,27 điểm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (0,02%) xuống 240,13 điểm, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (0,08%) đạt 98,91 điểm.
Tiếp nối nhịp hồi phục cuối phiên trước, VN-Index mở cửa xanh hơn 2 điểm trong phiên sáng nay. Với sự trở lại dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn, sắc xanh trên bảng điện được nới rộng sau khoảng 50 phút giao dịch.
Tại nhóm vốn hóa lớn, GVR tăng mạnh nhất rổ VN30 với tỷ lệ 2,2% lên 34.300 đồng/cp, theo sau là POW (+2%), MWG (+1,3%), HPG (+1,2%), BID (+1,2%), VIC (+1%), … Chiều ngược lại, BCM giảm 1,3% về 62.200 đồng/cp, sắc đỏ nhẹ hơn cũng được chứng kiến ở STB, TCB, MBB, SAB, HDB, CTG, BVH, TPB với tỷ lệ dưới 1%.
Cổ phiếu cảng biển tiếp tục là tâm điểm của dòng tiền với sắc xanh lan tỏa. NAP tăng hết biên độ lên 11.300 đồng/cp, PDN (+6,7%), PHP (+5,1%), SGP (+3,5%), HAH (+2,4%), IDV (+1,6%), VNL (+1,5%), …
Tại thị trường quốc tế, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã kết thúc chuỗi giảm điểm kéo dài ba ngày nhờ sự phục hồi của cổ phiếu Nvidia và một số tên tuổi công nghệ khác.
Cụ thể, theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 25/6, chỉ số S&P 500 đã tăng 0,39%, đóng cửa ở mức 5.469 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tiến thêm 1,26% và chốt phiên ở mức 17.718 điểm. Cả hai chỉ số này đều có phiên tăng điểm đầu tiên sau chuỗi ba ngày giảm.
Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghệ Dow Jones lại tụt lại phía sau, mất 299 điểm, tương đương 0,76% và đóng cửa với 39.112 điểm.