Sốt đất tại một số các tỉnh, thành phố trong thời gian qua, có những nhà đầu cơ lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỷ, nhưng cũng có không ít những nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ, chạy theo sốt ảo và đầu tư hàng tỷ đồng vào những dự án bán không có người mua. Đất sốt trở lại sau 10 năm, đến khi hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư cũng lâm vào cảnh lao đao.
Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình giao dịch đất đai tại nhiều địa phương lân cận TP Hà Nội hoặc xa hơn vẫn rất nhộn nhịp. Cụ thể, từ đầu năm, giá đất nền tại nhiều địa phương đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2021. Ngay cả những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.
Sau 10 năm, cơn sốt đất lại tiếp tục bùng phát do nhiều nguyên nhân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Trong thời gian qua, khi nhận được thông tin đất ở đấy đang sốt, nên tôi đã cùng với anh em, bạn bè rủ nhau góp vốn để đầu tư", chị Nguyễn Huyền, khách hàng, chia sẻ.
Tuy nhiên, trước tình trạng sốt đất, các ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản, thuế áp giá cao theo thị trường. Đặc biệt, nhiều địa phương đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc chia tách thửa, đồng thời có biện pháp kiểm soát các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Do đó, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương cũng đã hạ nhiệt và dần ổn định trở lại.
"Tôi nghĩ rằng cơ hội đầu tư thì luôn có nhưng các nhà đầu tư phải lựa chọn và tránh hiện tượng đầu tư theo số đông. Mình nên có đánh giá đầy đủ hơn", ông Nguyễn Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định.
Năm 2010, cơn sốt đất đã khiến nền kinh tế lạm phát. Đến nay sau 10 năm, cơn sốt đất lại tiếp tục bùng phát trước nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, trước những cảnh báo của các chuyên gia, trước sự siết chặt của cơ quan quản lý đất đai, nhiều nhà đầu tư "ăn theo cơn sốt đất" từng tạo sóng nay lại bán tháo, thoát nhanh trong vòng xoáy giảm nhiệt của thị trường bất động sản.