Doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp da giày lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025

Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần.

Dự báo trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm 2023. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách của Việt Nam sẽ đạt 38-40 tỷ USD.

Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời phát triển một số thương hiệu khu vực và thế giới.

Như vậy, cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da, giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bởi xu hướng “xanh hóa” trên thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.

Trước đây, yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu là do các nhãn hàng đặt ra nhưng cho đến nay đã được luật hóa tại các thị trường chính của ngành như Mỹ, EU… chính vì thế, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa sản xuất đòi hỏi bắt buộc hiện nay, tuy nhiên đáp ứng là điều khó khi doanh nghiệp da giày trong nước còn gặp nhiều thách thức.

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa dệt Hà Tây. (Ảnh: TTXVN)

Đơn cử, tại thị trường EU cũng bắt đầu đưa ra những yêu cầu về chuyển đổi xanh, đặc biệt là một loạt đạo luật đã được ban hành. Cụ thể như Đạo luật tra soát chuỗi cung ứng hay Đạo luật về chống phá rừng đã được thực hiện và sắp tới, hàng loạt các đạo luật mới như đạo luật về trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, dán nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái…

Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành da giày khi mà hai thị trường này chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết thêm thách thức lớn nhất với ngành da giày lúc này là tính bền vững trong sản xuất, yêu cầu về trách nhiệm xã hội...

Điển hình như thị trường EU, từ quý 2/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, chúng ta sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất.

Về khó khăn nhập khẩu nguyên liệu, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TBS Group, Chủ tịch CIFA 41-2024, đưa ra là cũng như một số ngành sản xuất đặc thù khác, ngành da giày phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu và chuỗi cung ứng.

Trong Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đề ra rất nhiều mục tiêu, định hướng để phát triển nhưng quan điểm rõ là cơ quan quản lý nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu trên, Nhà nước phải xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch theo đúng yêu cầu, các cam kết.

Các chuyên gia cho rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu ngành da giày trong nước là vô cùng quan trọng.

Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam đề xuất hỗ trợ hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế… thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm