Trong bối cảnh giá xăng dầu gia tăng đang tác động đến từng hộ gia đình cũng như chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz, Đức cho biết sẽ cân nhắc tung ra một gói cứu trợ mới nhằm giảm bớt gánh nặng về giá nhiên liệu cho người lao động.
"Chi phí cho việc sưởi ấm, giá điện và giá nhiên liệu cực cao đang gây áp lực lên các hộ gia đình, nhóm thu nhập càng thấp thì ảnh hưởng càng nhiều", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết.
Khoản trợ cấp này có thể dao động từ 20-50 euro (500 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng) mỗi tháng, trong đó, những nhóm lao động thu nhập thấp nhất sẽ được hưởng mức hỗ trợ tối đa. Các hộ gia đình thu nhập cao sẽ không nằm trong diện này.
Tờ Bloomberg cho rằng sáng kiến trên nếu được thông qua có thể khiến nước Đức tiêu tốn 1 tỷ euro mỗi tháng. Trước đó, chính trị gia hàng đầu của FDP, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đã đề xuất giảm giá xăng để hỗ trợ người lao động, song ý tưởng này đã bị một số thành viên của liên minh phản đối.
"Đề xuất trên đã bị lung lay ngay từ đầu và ngày càng mất đi nhiều sự ủng hộ trong tuần này. Bất kỳ khoản cứu trợ nào cũng sẽ bao gồm cả khoản đi lại, nhưng có thể theo một kiểu phức tạp hơn", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói.
Giá xăng dầu tại châu Âu tăng cao
Tính đến tháng 2 năm nay, giá xăng và dầu diesel tại Đức đã tăng phi mã do quốc gia này phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu khí đốt từ Nga. Giá nhiên liệu tăng cao khiến dư luận Đức dấy lên nhiều lo ngại, đồng thời kêu gọi giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng giá cả gia tăng và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thậm chí, theo cuộc thăm dò Civey của hãng truyền thông WELT thực hiện mới đây, nhiều người còn ủng hộ việc không sử dụng xe hơi một ngày trong tuần để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu.
Điều này càng gia tăng thêm áp lực lên liên minh Thủ tướng Đức Scholz vốn vẫn đang thảo luận về việc có chấm dứt hay không mức thuế nhập khẩu cố định trước năm 2023.
“Giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng và các công ty sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn khi nhập các nguyên liệu thô. Đó chính là mặt tiêu cực rõ rệt nhất”, ông Robert Halver, chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Baader nhận định.
Mới đây nhất, Đức đã thông qua gói 4,5 tỷ euro (5 tỷ USD) giảm thuế cho người tiêu dùng, đồng thời tranh luận về các biện pháp viện trợ thêm. Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết, ông muốn hỗ trợ tài chính trước tình trạng tăng giá nhiên liệu và điện “càng sớm càng tốt” song vẫn chưa thể đi tới quyết định cuối cùng.
Sự chậm trễ này khiến nhiều người dân Đức phẫn nộ. Họ chỉ trích chính phủ Đức duy trì thuế điện cao và không nhanh chóng thực hiện các cải cách hỗ trợ.
“Hiệp hội Liên bang các doanh nghiệp vừa và nhỏ lo ngại sẽ xảy ra tình trạng phá sản và mất việc làm của hàng loạt công ty do giá năng lượng cao. Đây đã trở thành vấn đề sống còn đối với nhiều doanh nghiệp”, Giám đốc điều hành của hiệp hội, ông Markus Jerger nói.
Theo: Bloomberg