Bếp không chỉ là nơi nấu nướng mà còn là nơi gia đình quây quần ấm cúng, thưởng thức những món ăn ngon. Nhưng chỉ cần một chút bất cẩn, căn bếp có thể trở thành "chiến trường" nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Vì vậy, mọi người nhất định không nên làm 9 điều này trong bếp để tránh gây nguy hiểm trong cuộc sống.
1. Không đặt điện thoại hoặc máy tính bảng gần bếp gas
Nhiều người trẻ không biết nấu ăn thường có thói quen vừa xem video hướng dẫn trên mạng vừa học nấu ăn. Ngoài ra, một số người thích vừa nấu ăn vừa mở nhạc trên điện thoại để thư giãn tinh thần.
Nhưng nhất định phải nhớ rằng không được đặt điện thoại hoặc máy tính bảng ở gần bếp gas. Bởi vì hành động tưởng chừng như bình thường này lại tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn rất lớn.
Khi sử dụng bếp, nhiệt độ xung quanh thường rất cao, cộng thêm việc điện thoại khi sử dụng sẽ tỏa nhiệt dẫn đến thiết bị dần dần "nóng bỏng tay".
Pin trong điện thoại khi bị quá nhiệt có thể phát nổ, thậm chí nghiêm trọng hơn còn có thể gây ra hỏa hoạn.
Cách làm đúng: Nếu cần sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng khi nấu ăn, hãy đặt thiết bị ở khu vực xa bếp, chẳng hạn như khu cắt thực phẩm hoặc trên bàn bếp. Ngoài ra, bạn cũng có thể để trong túi quần áo.
2. Không cho thực phẩm đông lạnh trực tiếp vào chảo dầu
Nhiều người sau khi mua về là cho thẳng vào chảo dầu để chiên để đỡ mất thời gian rã đông. Tuy nhiên, thực tế làm như vậy là sai lầm và rất nguy hiểm. Bởi vì khi thực phẩm đông lạnh chưa rã đông được cho vào chảo dầu, dầu gặp đá hoặc nước sẽ bị bắn ra ngoài, nổ đôm đốp, thậm chí có thể gây cháy nồi, dễ dàng gây bỏng.
Cách làm đúng: Hãy rã đông thực phẩm đông lạnh hoàn toàn trước khi cho vào chảo dầu nóng.
Ngoài ra, cần lưu ý khi trong chảo đang có dầu nóng, không nên vội vàng đổ gia vị vào. Hãy đợi dầu nguội đi một nửa rồi mới đổ, nếu không dầu cũng sẽ bị bắn ra ngoài.
3. Không thay mới ống dẫn gas trong nhiều năm
Phần lớn các gia đình sau khi lắp bếp gas thường sử dụng lâu dài mà ít khi kiểm tra hoặc bảo dưỡng.
Đặc biệt, nhiều người thường bỏ qua vấn đề lão hóa của ống dẫn gas. Song, các thiết bị gas và ống dẫn gas đã quá hạn sử dụng lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Bởi vì khi sử dụng quá lâu, ống dẫn gas bằng cao su bị cũ đi, lỏng lẻo dẫn đến rò rỉ gas và gây ra cháy nổ.
Tuổi thọ an toàn để sử dụng ống dẫn gas cao su thông thường là 2 năm, vì vậy cần phải kiểm tra định kỳ. Nếu phát hiện ống bị lỏng, nứt, bị chuột cắn hoặc có dấu hiệu hư hỏng, cần xử lý kịp thời.
Cách làm đúng: Sử dụng ống dẫn gas bằng kim loại thay thế ống cao su có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ rò rỉ gas. Đồng thời, cũng cần thực hiện bảo dưỡng và kiểm tra thiết bị định kỳ.
4. Không chọn bếp gas có mặt kính
Bếp gas có 2 loại mặt bàn: Kính và inox. Nhiều người chọn loại mặt kính với suy nghĩ không chỉ đẹp mà còn dễ lau chùi, trông sang trọng hơn hẳn.
Tuy nhiên, ngay cả kính an toàn cũng có một tỷ lệ tự vỡ nhất định. Mặc dù khả năng này không cao nhưng nếu gặp phải thì rất phiền phức.
Ngoài ra, ai thích sử dụng tấm dẫn nhiệt cũng không nên đặt lên bếp gas có mặt kính. Bởi vì tấm dẫn nhiệt sẽ khiến nhiệt lượng tập trung nhiều trên mặt kính, dẫn đến mặt kính bị nứt vỡ.
Cách làm đúng: Nên chọn bếp có mặt inox. Nếu bạn chọn bếp mặt kính, phải chú ý đến thương hiệu và việc bảo dưỡng trong quá trình sử dụng hàng ngày.
5. Không dùng nồi áp suất để nấu thực phẩm có đậu
Tính tiện dụng của nồi áp suất là điều không cần phải bàn cãi, vì vậy món đồ này rất được các bà nội trợ yêu thích.
Tuy nhiên, việc nấu các loại thực phẩm có đậu trong nồi áp suất là sử dụng sai cách, thật sự rất "kinh hoàng".
Bởi khi đậu được nấu trong nồi áp suất, thực phẩm có thể làm tắc lỗ thoát hơi của nồi, dễ gây nổ. Không chỉ nắp nồi bị biến dạng hoàn toàn mà gạch nền trong bếp và kính cửa sổ cũng có thể bị vỡ vì lực nổ.
Cách làm đúng: Không sử dùng nồi áp suất để nấu các loại hạt nhỏ như đậu xanh, đậu đỏ. Nếu thật sự cần thiết, hãy sử dụng nồi áp suất điện thay thế nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn.
6. Không để bật lửa cạnh bếp gas
Không thể phủ nhận, vẫn có người sử dụng bật lửa để châm lửa cho bếp rồi tùy tiện để bật lửa ngay cạnh bếp gas. Mặc dù đây là hành động có vẻ bình thường nhưng thực tế nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn.
Trước hết, việc sử dụng bật lửa để châm lửa là một hành động không khá nguy hiểm. Bởi vì khi bật lửa nhiều lần mà không thể châm lửa cho bếp gas, khí gas trong không khí sẽ tích tụ. Lúc này, bạn bật lửa với ngọn lửa trực tiếp rất dễ làm cháy khí gas trong không khí, có thể gây ra nổ.
Thứ hai, bật lửa để gần bếp gas nóng rất dễ bị nổ do chịu nhiệt, gây thương tích cho những người xung quanh.
Cách làm đúng: Không sử dụng bật lửa để châm lửa mà hãy chọn các công cụ hỗ trợ cháy an toàn. Ngay cả khi điều kiện không cho phép, sau khi sử dụng xong, hãy để bật lửa xa bếp gas ngay lập tức.
7. Không đổ bột mì gần bếp gas
Việc vừa nấu ăn vừa đổ và nhào bột mì là thao tác rất bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không chú ý, hành động này cũng dẫn đến các vấn đề nguy hiểm.
Bởi vì khi đổ bột mì, bột mịn khác gần ngọn lửa của bếp gas, các hạt bụi trong không khí khi đạt đến một mật độ nhất định có thể gây ra "nổ bụi" và sức công phá rất mạnh.
Không chỉ bột mì mà các loại bột như bột cà phê, bột tinh bột,... khi gặp ngọn lửa cũng dễ xảy ra tình trạng tương tự.
Cách làm đúng: Khi đổ bột mì, bột cà phê hoặc các loại bột mịn khác, hãy tránh xa ngọn lửa hoặc thực hiện việc này khi đã tắt bếp.
8. Không sử dụng lò vi sóng để hâm nóng trứng
Dù là trứng sống, trứng chín hay trứng đã được cắt thành nhiều miếng, đều không nên hâm nóng trong lò vi sóng vì chúng sẽ nổ tung và làm tràn hết lò.
Lý do rất đơn giản, khi lò vi sóng hâm nóng, trứng sẽ được làm nóng từ trong ra ngoài. Khi lòng trắng trứng được làm nóng sẽ tỏa nhiệt nhưng hơi nước nóng sinh ra từ lòng đỏ lại không thể thoát ra ngoài. Khi nhiệt độ tăng lên, hơi nước bên trong trứng sẽ tạo áp lực lớn, và trứng sẽ nổ tung ngay lập tức.
Cách làm đúng: Tất cả các món ăn có nguyên lòng đỏ trứng đều không nên hâm nóng trong lò vi sóng.
9. Không để bếp gas đang bật rồi làm việc khác
Khi đã bật bếp gas nấu ăn, tuyệt đối không được rời khỏi bếp quá lâu, phải đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Nếu bạn nghĩ rằng món ăn trong nồi cần tiếp tục đun lâu và bạn có thể ra ngoài 1 lúc rồi quay lại khi món ăn đã xong, thì đó là một sai lầm lớn.
Bởi vì để bếp gas đang cháy mà rời đi lâu dài có thể gây ra nhiều sự cố không an toàn, thậm chí nổ bếp, cháy nhà. Thế nhưng vẫn có người không chú ý.
Cách làm đúng: Dù trong bất kỳ tình huống nào, khi đã bật lửa, bạn không nên rời khỏi bếp. Nếu phải rời đi, hãy tắt lửa trước rồi mới rời đi.
Nguồn: post.smzdm