Nên ăn khoai lang vào lúc nào?
Báo Điện tử VOV dẫn nguồn trang Eating Well và Epicurious cho biết, ăn khoai lang vào những thời điểm này rất tốt cho sức khoẻ:
Ăn khoai lang vào buổi sáng
Ăn khoai lang vào buổi sáng là lựa chọn tuyệt vời để bắt đầu ngày mới. Khoai lang chứa carbohydrate phức tạp, giúp cung cấp năng lượng bền bỉ cho cơ thể hoạt động suốt buổi sáng mà không gây tăng đường huyết đột ngột. Chất xơ trong khoai lang giúp bạn cảm thấy no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Ngoài ra, ăn khoai lang vào buổi sáng giúp kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón. Một số món ăn sáng với khoai lang bạn có thể lựa chọn như: khoai lang luộc/hấp, cháo khoai lang, khoai lang nướng mật ong, bánh mì sandwich kẹp khoai lang nghiền.
Buổi trưa
Buổi trưa cũng là thời điểm lý tưởng để thưởng thức khoai lang. Khoai lang chứa một lượng canxi đáng kể, ăn khoai lang vào buổi trưa, khi có ánh nắng mặt trời, sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, củng cố sức khỏe xương khớp.
Ngoài ra, sau một buổi sáng làm việc, cơ thể cần được nạp năng lượng để tiếp tục hoạt động. Khoai lang sẽ giúp bạn nạp năng lượng mà không gây cảm giác nặng nề, uể oải. Một số món ăn trưa với khoai lang cực dễ làm như cơm gạo lứt kèm khoai lang luộc/hấp, khoai lang nướng mỡ hành, salad khoai lang với ức gà, canh khoai lang thịt bằm.
Trước khi tập thể dục
Nếu bạn có thói quen tập thể dục, hãy thử ăn khoai lang khoảng 1-2 tiếng trước khi tập. Khoai lang cung cấp carbohydrate phức tạp, giúp cung cấp năng lượng dẻo dai cho cơ bắp hoạt động hiệu quả trong quá trình tập luyện.
Ăn khoai lang trước khi tập giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định, ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết khi vận động mạnh. Trước khi tập thể dục bạn có thể ăn khoai lang luộc/hấp, sinh tố khoai lang với chuối để tối ưu hiệu quả tập luyện.
Những điều cần lưu ý khi ăn khoai lang
Ngoài ăn đúng thời điểm thì bạn cũng cần phải ăn khoai lang đúng cách. Dưới đây là những cách ăn khoai lang có lợi cho sức khoẻ nhất:
Ăn vừa phải
Khoai lang tuy tốt nhưng cũng không nên ăn quá nhiều, nhất là người có bệnh lý dạ dày. Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời lương y Trần Đăng Tài, Phó Chủ tịch Hội Đông y TX. Thái Hòa (Nghệ An) cho biết, chất xơ và kali trong khoai lang có thể kích thích tiết dịch vị và tạo khí trong cơ thể, gây ra các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, ợ chua, khó chịu đường tiêu hoá. Ngoài ra, khoai lang có chứa nhiều đường dễ gây tăng nhiều dịch vị acid trong dạ dày.
Kết hợp khoai lang với các thực phẩm khác
Đối với người bệnh tiểu đường, mặc dù ăn khoai lang có thể giúp duy trì ổn định đường trong máu nhưng chúng cũng chứa nhiều carbohydrate gây tăng đường trong máu khi ăn quá nhiều. Vì vậy người bệnh nên kiểm soát lượng tiêu thụ. Nên chọn khoai lang trắng và kết hợp ăn khoai lang với một số loại rau không chứa tinh bột và một nguồn protein tốt để tạo nên một bữa ăn cân bằng và không làm đường trong máu tăng đột biến.
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Doãn Thị Tường Vi, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198 cho biết, trong khoai lang vẫn chứa một lượng đường khá cao, nhất là các loại khoai mật. Người bệnh tiểu đường có thể giảm cơm, tăng tỷ lệ khoai lang trong giai đoạn ăn kiêng nhưng vẫn phải ăn kèm thực phẩm giàu protein, rau quả tươi để đảm bảo khẩu phần ăn cân đối dinh dưỡng. Những người thừa cân hoặc mắc bệnh tim nên giữ mức tiêu thụ ở mức tối thiểu, 2-3 lần mỗi tuần.
Nên ăn khoai lang luộc, hấp
Một số nghiên cứu đã so sánh tác động của các phương pháp nấu ăn khác nhau đối với tính khả dụng sinh học của các hợp chất hoạt tính sinh học trong khoai lang và phát hiện ra rằng, luộc khoai lang giữ lại nhiều beta-carotene hơn và làm cho nó dễ hấp thụ hơn các phương pháp nấu ăn khác như chiên, nướng. Hấp khoai lang bảo quản nhiều hợp chất phenolic khác trong khoai lang hơn các phương pháp nấu ăn khác.