Ngay đầu tháng 8, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã công bố biểu lãi suất huy động mới dành cho cho tiền gửi trực tuyến với việc tăng ở tất cả kỳ hạn.
Theo biểu lãi suất huy động mới nahats, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,3%/năm hiện đạt 3,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,4%/năm lên 3,5%/năm và kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm lên 3,6%/năm.
Kỳ hạn 4 và 5 tháng được Sacombank tăng lần lượt 0,2% và 0,1%/năm lên cùng mức 3,6%/năm. Trong khi, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh 0,8%/năm lên 4,9%/năm.
Sau khi được điều chỉnh tăng thêm 0,6 - 0,7%/năm, lãi suất các kỳ hạn 7 - 11 tháng tại Sacombank đã tăng lên mức 4,9%.
Lãi suất kỳ hạn 12 - 13 tháng hiện là 5,4%/năm, sau khi tăng thêm 0,5%/năm.
Sacombank cũng tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn dài. Cụ thể, kỳ hạn 15 tháng tăng từ 5%/năm lên 5,5%/năm, kỳ hạn 18 tháng tăng từ 5,1%/năm lên 5,6%/năm, kỳ hạn 24 tháng tăng từ 5,2%/năm lên 5,7%/năm, và 36 tháng tăng từ 5,4%/năm lên 5,7%/năm.
Trước đó, vào trung tuần tháng 7, Sacombank cũng đã tăng mạnh lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến ở nhiều kỳ hạn với mức tăng cao nhất lên đến 0,7%/năm.
Sau lần điều chỉnh mới nhất, Sacombank hiện có lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lớn. Tuy nhiên, Sacombank không thay đổi nhiều biểu lãi suất huy động tiền gửi tại quầy với mức lãi suất cao nhất là 5,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Trước Sacombank, ngân hàng có nhiều tiền gửi nhất hệ thống là Agribank cũng đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần 2 năm với mức điều chỉnh 0,1%/năm tại nhiều kỳ hạn. Trước đó, BIDV và VietinBank cũng đã có động thái tương tự đối với lãi suất tiền gửi trực tuyến.
Việc các ngân hàng có quy mô tiền gửi lớn tăng lãi suất huy động có khả năng sẽ kéo mặt bằng lãi suất huy động lên cao hơn trong thời gian tới.
Sau khi giảm xuống vùng thấp lịch sử, lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6.
Bước sang tháng 7, đã có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank, BIDV, ABBank, Bac A Bank, SHB, ACB và Cake by VPBank. Trong đó, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động 2 - 3 lần.
Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, nhất là trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.