Một năm trước, các nhà đầu tư vẫn cho rằng bitcoin là tương lai của tiền tệ và ethereum là công cụ phát triển quan trọng bậc nhất của thế giới. Lúc đó, NFT (token không thể thay thế) bùng nổ, giá cổ phiếu Coinbase đạt đỉnh và đội bóng rổ Miami Heat vừa bắt đầu mùa giải mới tại nhà thi đấu mới có tên FTX Arena.
Ở thời điểm này nhìn lại, đó là đỉnh cao của ngành công nghiệp tiền mã hoá.
12 tháng kể từ khi bitcoin đạt đỉnh giá hơn 68.000 USD, 2 đồng tiền số lớn nhất thế giới đã mất 3/4 giá trị. Từng có giá trị xấp xỉ 3 nghìn tỷ USD, vốn hoá thị trường tiền mã hoá hiện chỉ còn khoảng 900 tỷ USD.
Thay vì là một công cụ rào chắn trước lạm phát, bitcoin dần lộ ra hình ảnh của một công cụ đầu cơ với giá trị xẹp xuống nhanh chóng khi sự hào hứng của thị trường biến mất và các nhà đầu tư hoảng loạn.
Chỉ trong một khoảnh khắc, tuần này, giá trị FTX sụt giảm từ định giá 32 tỷ USD xuống bờ vực phá sản khi thanh khoản bốc hơi. Người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried thừa nhận anh đã bị “rối loạn”. Hôm 11/11, Sam Bankman-Fried chính thức đệ đơn từ chức CEO.
“Nhìn lại, sự hào hứng và giá trị của các tài sản rõ ràng đã vượt qua chính các giá trị cơ bản của chúng”, Katie Talati, giám đốc nghiên cứu tại Arca, nói. “Khi sự tụt xuống diễn ra quá nhanh và khốc liệt, nhiều người khẳng định tài sản số đã chết”.
Talati nhận định, cho dù thị trường tiền mã hoá có phục hồi hay không, cuộc “tắm máu” của thị trường trong năm 2022 để để lộ nhiều yếu điểm của tiền mã hoá. Nó cũng là lời nhắc với các nhà đầu tư rằng vì sao chúng ta vẫn cần sự quản lý trong ngành tài chính. Nhiều vụ phá sản đã xảy ra trong nửa sau năm 2022 khiến nhiều tài khoản tiền mã hoá không thể tiếp cận lại được tài khoản của mình.
Nếu tiền mã hoá là tương lai tài chính, tương lai này quá ảm đạm, CNBC nhận định.
“Ngành công nghiệp này cần sự trưởng thành cao hơn và các nhà điều hành sẽ tham gia. Tương lai của ngành là các tài sản số được đăng ký và giao dịch trên các sàn giao dịch được điều hành và quản lý, nơi mọi người đều nhận được các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư cần thiết”, ông Michael Saylor, chủ tịch MicroStrategy, một công ty đang nắm giữa 130.000 bitcoin, nói.
Các tài sản khác có liên quan đến tiền mã hoá cũng đi xuống. Giá cổ phiếu của sàn giao dịch Coinbase đã giảm 20% trong 2 ngày, trong khi đó, giá cổ phiếu Robinhood, ứng dụng đầu tư mà Bankman-Fried là một trong những nhà đầu tư lớn nhất, cũng giảm 30% trong cùng kỳ.
Tuần trước, Coinbase báo cáo giảm doanh thu hơn 50% trong quý III/2022 so với cùng kỳ năm trước cùng khoản lỗ 545 triệu USD. Hồi tháng 6, sàn giao dịch này cắt giảm 18% định biên nhân sự.
Mọi thứ đã bắt đầu như thế nào?
Sự đi xuống của thị trường tiền mã hoá đã nhen nhóm từ cuối năm 2021. Đó là thời điểm lạm phát bắt đầu tăng làm dấy lên quan ngại rằng FED có thể bắt đầu tăng lãi suất. Bitcoin giảm giá 19% trong tháng 12 năm ngoái khi các nhà đầu tư dồn tiền vào các tài sản an toàn hơn trong bối cảnh kinh tế biến động.
Đợt bán tháo tiếp diễn trong tháng 1/2022 khi bitcoin và ethereum lần lượt giảm giá 17% và 26%. David Marcus, cựu giám đốc mã hoá tại Meta, lần đầu dùng cụm từ “mùa đông tiền số” để nói đến giai đoạn này. Thế nhưng “mùa đông tiền số” không thực sự đến cho tới vài tháng sau đó. Thị trường có giai đoạn bình ổn trở lại cho tới tháng 5 khi các đồng stablecoin đột ngột trở nên “bất ổn”.
Stablecoin là một loại tiền mã hoá được thiết kế để duy trì giá trị 1:1 với đồng USD. Vì lý do này, stablecoin được coi là một dạng tài khoản ngân hàng có nền kinh tế mã hoá đồng thời là một cách tương đối an toàn để lưu trữ giá trị, trái lại với những đặc tính của bitcoin và các đồng tiền mã hoá khác.
Khi UST và đồng token “chị em” Luna giảm giá xuống dưới mốc 1 USD, sự hoảng loạn ập đến. Hơn 40 tỷ USD giá trị tài sản đã bị xoá bỏ trong đợt sụp đổ của luna. Nhiều người đã nhận ra ở thế giới tiền mã hoá, không có gì là an toàn.
Lúc đó, bitcoin giảm giá 16% trong 1 tuần khiến giá trị của nó chỉ còn bằng chưa đến một nửa so với 6 tháng trước đó. Ở phương diện vĩ mô, lạm phát không có dấu hiệu giảm nhiệt và các ngân hàng trung ương vẫn cam kết tăng lãi suất để giảm tốc giá tiêu dùng gia tăng.
Đến tháng 6, các biến cố tiếp tục lộ diện.
Nền tảng cho vay Celcius dừng cho phép rút tiền vì “điều kiện thị trường khắc nghiệt”. Binance cũng dừng cho phép rút tiền còn BlockFi cắt giảm 20% nhân sự sau khi số lượng nhân sự tăng gấp 4 lần kể từ cuối năm 2020.
Quỹ phòng vệ mã hoá 3AC mất khả năng trả nợ cho khoản vay hơn 670 triệu USD và FTX ký một thoả thuận quyền mua lại BlockFi với giá trị chỉ bằng một phần nhỏ định giá gần nhất.
Cũng trong tháng 6, bitcoin trải qua tháng tồi tệ nhất trong lịch sử khi giá giảm xấp xỉ 38%. Ether giảm hơn 40%.
Liên tiếp sau đó, các công ty tièn mã hoá như Voyager Digital hay Celsius cũng đệ đơn xin bảo hộ phá sản.
Lúc này, Bankman-Fried nổi lên như một người có thể cứu rỗi thế giới tiền mã hoá. Anh khẳng định FTX có vị thế tốt hơn các đối thủ vì dự trữ riêng tiền mặt, chi phí hoạt động thấp và tránh hoạt động cho vay. Bankman-Fried được xem là “JPMorgan của thế giới tiền mã hoá”. Chia sẻ với CNBC hồi tháng 9, Bankman-Fried nói rằng FTX có khoảng 1 tỷ USD để giải cứu các công ty tiền mã hoá khi cơ hội phù hợp tới.
Thế nhưng, Bankman-Fried có lẽ cũng không tưởng tượng “mùa đông tiền mã hoá” lại ập đến chính “đế chế” của anh. Sự sụp đổ của FTX bắt đầu khi Changpeng Zhao (CZ), CEO Binance, chia sẻ trên Twitter về việc bán hết token FTT, đồng tiền mã hoá của FTX. CoinDesk sau đó chia sẻ Alameda Research, quỹ phòng vệ của Bankman-Fried, nắm giữ một số lượng lớn FTT trên bảng cân đối kế toán.
Chia sẻ của CZ không chỉ khiến FTT sụt giá mà còn khiến khách hàng của FTX cũng muốn tìm đường thoái lui. Bankman-Fried nói rằng khách hàng đang đề nghị rút gần 5 tỷ USD. Không đủ quỹ dự trữ cho thanh khoản, FTX tìm sự trợ giúp của chính CZ.
Mọi thứ sẽ đi tới đâu?
Binance ký một thoả thuận không ràng buộc về việc mua lại FTX song “quay xe” chỉ một ngày sau đó khi cho rằng “các vấn đề của FTX nằm ngoài kiểm soát hoặc khả năng trợ giúp của chúng tôi”.
Hôm 11/11, FTX đệ đơn bảo hộ phá sản ở Mỹ. Trong hồ sơ, FTX cho biết nó đang có từ 10 tỷ USD đến 50 tỷ USD tài sản và có các khoản nợ tương đương.
Sequoia Capital, quỹ từng đầu tư vào FTX vào năm 2021 ở định giá 18 tỷ USD, xoá bỏ giá trị đầu tư 213,5 triệu USD vào FTX. Multicoin Capital,công ty đầu tư mã hoá, nói với các đối tác của mình rằng nó chỉ có lấy lại được khoảng 1/4 tài sản từ FTX. Bên cạnh đó, Multicoin còn nói bị ảnh hưởng vì nắm giữ nhiều solana, đồng tiền cũng đang giảm giá trị vì “được cho là nằm trong tầm ảnh hưởng của Bankman-Fried”.
Ryan Gilbert, người sáng lập Launchpad Captital, nói rằng thế giới tiền mã hoá đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tiên sau sự vụ của FTX. Mặc dù 2022 là năm biến động lớn của tiền mã hoá, Bankman-Fried vẫn được xem là một lãnh đạo được tin cậy của ngành và được chọn để trở thành đại diện của ngành trước giới chức Mỹ.
Trong một thị trường không có ngân hàng trung ương, niềm tin là then chốt.