Tài chính

Một khi Fed hãm đà cắt giảm lãi suất, người chiến thắng là người đặt tài sản này ‘đúng nơi, đúng thời điểm’

Một khi Fed hãm đà cắt giảm lãi suất, người chiến thắng là người đặt tài sản này ‘đúng nơi, đúng thời điểm’- Ảnh 1.

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo giảm tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025, nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng, đặc biệt là những người có nợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết những người có tiền trong các tài khoản lợi suất cao sẽ được hưởng lợi từ chế độ “lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn”.

Nhà phân tích tài chính Greg McBride tại Bankrate cho biết: “Nếu bạn đặt tiền đúng nơi, năm 2025 sẽ là một năm thuận lợi cho người tiết kiệm, giống như năm 2024”.

Lợi nhuận từ việc nắm giữ tiền mặt thường có mối tương quan với lãi suất chuẩn của Fed. Nếu Fed tăng lãi suất, lãi của các tài khoản tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi (CD), quỹ thị trường tiền tệ và các khoản tương đương tiền khác sẽ tăng lên.

Fed đã tăng mạnh lãi suất trong năm 2022 và 2023 để kiềm chế lạm phát. Cuối cùng, chi phí đi vay từ mức cực thấp đã lên mức cao nhất trong hơn 22 năm.

Sau đó, Fed bắt đầu hạ lãi suất trong các cuộc họp gần đây. Tuy nhiên, các quan chức Fed dự kiến trong cuộc họp tháng 12 rằng họ sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 2 lần thay vì 4 lần vào năm 2025.

Nhà phân tích McBride cho biết: "Cao hơn trong thời gian dài hơn là câu thần chú của năm 2025”.

Nhà hoạch định tài chính Marguerita Cheng cho biết tin xấu đối với người dân là lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay. Nhưng bà Cheng cũng chỉ ra lãi suất cao hơn có thể giúp các cá nhân ở mọi lứa tuổi xây dựng khoản tiết kiệm và chuẩn bị cho những tình huống phát sinh.

Chuyên gia McBride cho biết các tài khoản tiết kiệm lãi suất cao từ ​​4% đến 5% "vẫn phổ biến". Ông chỉ ra câu chuyện tương tự với các quỹ thị trường tiền tệ.

Lãi suất quỹ thị trường tiền tệ thay đổi tùy theo quỹ và tổ chức, nhưng các quỹ có lợi suất cao nhất thường nằm trong khoảng từ 4% đến 5%. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức tài chính đều trả mức lãi suất này.

Trong bối cảnh đó, mọi người luôn đặt câu hỏi rằng lựa chọn nào tốt hơn, tài khoản tiết kiệm có lợi suất cao hay CD.

“Điều này còn tuỳ thuộc vào từng trường hợp. Các tài khoản tiết kiệm có lợi suất cao sẽ cung cấp tính thanh khoản và khả năng tiếp cận dễ hơn, nhưng lãi suất không cố định hoặc được đảm bảo. Trong khi đó, CD sẽ cung cấp lãi suất cố định được đảm bảo, nhưng bạn sẽ mất đi tính thanh khoản và khả năng tiếp cận”, bà Cheng nói.

Ngoài ra, một số tổ chức sẽ có yêu cầu tiền gửi tối thiểu để được hưởng mức lợi nhuận nhất định như quảng cáo. Hơn nữa, không phải tất cả các tổ chức cung cấp tài khoản tiết kiệm lợi nhuận cao đều được bảo vệ bởi Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC). Hạn mức bảo hiểm của FDIC là 250.000 USD trên mỗi người gửi tiền, tại mỗi ngân hàng, theo mỗi loại sở hữu tài khoản.

“Hãy đảm bảo rằng bạn đang gửi tiền trực tiếp đến một ngân hàng được bảo hiểm liên bang”, ông McBride lưu ý.

Theo CNBC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm