Theo thông báo của Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, chiều ngày 20/9, 23 thửa đất tại xã Phúc Lâm của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức sẽ được đưa ra đấu giá tại hội trường UBND xã.
Các thửa đất có diện tích từ hơn 66m2 đến hơn 200m2 với giá khởi điểm 4,9 triệu đồng/m2. Tiền đặt cọc dao động từ hơn 60-200 triệu đồng/thửa.
Sau đó 6 ngày (26/9), 54 thửa đất tại xã Mỹ Thành tiếp tục được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 3,58 triệu đồng/m2. Các thửa đất có diện tích từ 71-174 m2. Khách hàng tham gia đấu giá đặt trước từ hơn 50-124 triệu đồng/thửa.
Tiếp đó, ngày 27/9, sẽ diễn ra phiên đấu giá 56 thửa đất tại xã Xuy Xá cũng với giá khởi điểm 3,58 triệu đồng/m2.
Các phiên đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên, bỏ phiếu trực tiếp 1 vòng tại cuộc đấu giá theo từng thửa đất.
Trước đó, hôm 22/8, 11 lô đất ở tại thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn của huyện này đã được đấu giá thành công. Diện tích các lô từ 104 - 126 m2/lô, giá khởi điểm 5,4 triệu đồng/m2.
Tham gia phiên đấu giá có khoảng 100 khách hàng, với hơn 260 hồ sơ đủ điều kiện. Kết quả, tổng giá trị thu về hơn 36,3 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm là hơn 29,5 tỷ đồng. Trong đó, thửa có giá trúng cao nhất là 32,97 triệu đồng/m2, chênh so với giá khởi điểm là 27,6 triệu đồng/m2.
Chưa phát hiện kẽ hở trong đấu giá đất tại Hà Nội
Ngày 5/9, thông tin về kết quả kiểm tra đột xuất 2 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất “tạo sóng” tại 2 huyện Thanh Oai, Hoài Đức (Hà Nội) diễn ra trong tháng 8 vừa qua, ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) cho biết, bước đầu có thể nhận định, quá trình tổ chức đấu giá được thực hiện nghiêm túc, còn giá khởi điểm thấp thì cần phải xem xét quy định pháp luật khi địa phương tổ chức đấu giá.
Bộ TN&MT không có khuyến cáo tổ chức hay không tổ chức các cuộc đấu giá đất, bởi đây là thẩm quyền của địa phương. Ảnh: Hồng Khanh
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, đoàn kiểm tra mới ghi nhận thông tin bước đầu về quá trình đấu giá đất tại Thanh Oai và Hoài Đức. Bộ TN&MT sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan để có thêm thông tin về sự việc.
Trao đổi về vấn đề liên quan đến thời điểm giao thoa giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/8) dẫn đến có những kẽ hở bị lợi dụng trong quá trình đấu giá đất tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, đến thời điểm này, Bộ TN&MT chưa phát hiện có kẽ hở từ chính sách liên quan đến quá trình đấu giá đất kể trên, còn để khẳng định có kẽ hở hay không thì phải dựa vào kết quả thanh tra, kiểm tra và hồ sơ.
Hà Nội tạm dừng nhiều phiên đấu giá
Mới đây, UBND huyện Thanh Oai có văn bản gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và hai công ty tổ chức đấu giá về việc tạm dừng tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 114 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương.
Theo kế hoạch, huyện Thanh Oai sẽ đấu giá 114 thửa đất này trong hai phiên (mỗi phiên 57 thửa đất). Trong đó, 57 lô đợt 1 được tổ chức đấu giá vào ngày 8/9.
UBND huyện Thanh Oai cho biết, sẽ thông báo tổ chức lại cuộc đấu giá sau khi rà soát pháp lý, điều kiện, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Những khách hàng đã đăng ký tham gia đấu giá sẽ được hoàn trả lại tiền hồ sơ.
Trước đó, huyện Hoài Đức thông báo hoãn hai phiên đấu giá 52 thửa đất tại xã Tiền Yên.
Tương tự, quận Hà Đông cũng tạm hoãn và chưa xác định ngày mở lại phiên đấu giá 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Chu An Trường chia sẻ, quá trình kiểm tra, một số địa phương của Hà Nội nêu băn khoăn có nên dừng đấu giá đất hay không.
“Chúng tôi không có khuyến cáo tổ chức hay không tổ chức đấu giá, bởi đây là thẩm quyền của địa phương. Chúng tôi chỉ khuyến cáo địa phương rà soát kế hoạch đấu giá theo đúng quy định”, ông Trường nói.