Phong cách sống

“Món ăn quốc dân” kim chi của Hàn Quốc có nguy cơ biến mất: Nguyên nhân vì đâu?

TIN MỚI

Món kim chi nổi tiếng của Hàn Quốc đang trở thành “nạn nhân” của biến đổi khí hậu, khi các nhà khoa học, nông dân và nhà sản xuất cho biết chất lượng và số lượng cải thảo muối để làm món ăn phổ biến này đang bị ảnh hưởng do nhiệt độ tăng cao.

Bắp cải Napa phát triển mạnh ở những vùng có khí hậu mát mẻ và thường được trồng ở các vùng núi, nơi nhiệt độ trong mùa hè - thời điểm chính để cây sinh trưởng hiếm khi tăng trên 25 độ C.

Các nghiên cứu cho thấy thời tiết ấm hơn do biến đổi khí hậu hiện đang đe dọa các loại cây trồng này, đến mức Hàn Quốc có thể sẽ không thể trồng bắp cải napa một ngày nào đó do nhiệt độ ngày càng tăng cao.

"Chúng tôi hy vọng những dự đoán này sẽ không trở thành sự thật", nhà nghiên cứu bệnh học thực vật và nhà virus học Lee Young-gyu cho biết.

"Bắp cải thích phát triển trong khí hậu mát mẻ và thích nghi với một dải nhiệt độ rất hẹp", Lee cho biết. "Nhiệt độ tối ưu là từ 18 đến 21 độ C".

Trên đồng ruộng và trong bếp ăn - cả trong thương mại và gia đình - những người nông dân và người làm kim chi đã cảm nhận được sự thay đổi.

“Món ăn quốc dân” kim chi của Hàn Quốc có nguy cơ biến mất: Nguyên nhân vì đâu?- Ảnh 1.

Nông dân đặt cải thảo kim chi đóng gói vào thùng chứa tại cánh đồng cải thảo của làng Anbandeogi ở Gangneung, Hàn Quốc, ngày 22 tháng 8 năm 2024. (Ảnh: Reuters/Kim Soo-hyeon)

Kim chi lên men cay được làm từ các loại rau đa dạng như củ cải, dưa chuột và hành lá, nhưng món ăn phổ biến nhất vẫn là kim chi làm từ bắp cải.

Mô tả về tác động của nhiệt độ cao đối với loại rau này, Lee Ha-yeon, người được Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc trao tặng danh hiệu “Bậc thầy Kim chi”, cho biết phần lõi của bắp cải trong những năm gần đây đang dần "bị hỏng, còn phần rễ thì nhũn".

"Nếu tình trạng này tiếp diễn, thì vào mùa hè, chúng ta có thể phải từ bỏ món kim chi bắp cải", bà Lee cho biết.

Dữ liệu từ cơ quan thống kê của chính phủ Hàn Quốc cho thấy diện tích trồng bắp cải vùng cao năm ngoái chỉ bằng một nửa so với 20 năm trước: 3.995 ha so với 8.796 ha.

Theo Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc, các kịch bản biến đổi khí hậu dự báo diện tích canh tác sẽ giảm đáng kể trong 25 năm tới, chỉ còn 44 ha, và sẽ không còn bắp cải nào được trồng ở vùng cao vào năm 2090.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt độ cao, lượng mưa lớn khó lường và sâu bệnh trở nên khó kiểm soát hơn vào mùa hè ấm hơn, dài hơn là những nguyên nhân khiến mùa màng thất bát. Nhiễm trùng nấm làm héo cây cũng đặc biệt gây rắc rối cho người nông dân vì nó chỉ xuất hiện khi gần đến thời điểm thu hoạch.

“Món ăn quốc dân” kim chi của Hàn Quốc có nguy cơ biến mất: Nguyên nhân vì đâu?- Ảnh 2.

Kim chi cải thảo là món ăn đặc trưng nhất của Hàn Quốc, khiến quốc gia này còn được gọi là "xứ sở kim chi"

Biến đổi khí hậu làm tăng thêm những thách thức mà ngành công nghiệp kim chi của Hàn Quốc phải đối mặt, vốn đang phải vật lộn với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, chủ yếu được phục vụ trong các nhà hàng.

Dữ liệu hải quan Hàn Quốc công bố ngày 2/9 vừa qua cho thấy lượng kim chi nhập khẩu tính đến cuối tháng 7 đã tăng 6,9% lên 98,5 triệu đô la Mỹ trong năm nay, hầu hết là từ Trung Quốc và là mức cao nhất từ trước đến nay trong cùng kỳ.

Cho đến nay, chính phủ xứ Hàn đã phải cố gắng ngăn chặn giá kim chi tăng đột biến và phòng tránh tình trạng thiếu hụt món ăn quá quen thuộc này bằng nhiều biện pháp. Các nhà khoa học cũng đang chạy đua để phát triển các giống cây trồng có thể sinh trưởng ở vùng khí hậu ấm hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn trước những biến động lớn về lượng mưa và dịch bệnh.

Nhưng những người nông dân như ông Kim Si-gap, 71 tuổi, người đã làm việc cả đời trên các cánh đồng bắp cải ở phía đông Gangneung, lo ngại rằng những giống bắp cải này sẽ tốn kém hơn khi trồng và không có hương vị đúng chuẩn.

Kim cho biết: "Khi chúng tôi thấy báo cáo rằng sẽ đến lúc Hàn Quốc không còn có thể trồng bắp cải nữa, chúng tôi vừa thấy sốc vừa thấy buồn".

"Kim chi là thứ chúng ta không thể không có trên bàn ăn. Chúng ta sẽ làm gì nếu điều này xảy ra?"



Cùng chuyên mục

Đọc thêm