Tại hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm" do Tạp chí VnEconomy phối hợp với Moody's Ratings và VIS Rating tổ chức, ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc – Chuyên gia phân tích cao cao nhóm vĩ mô Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, VIS Rating cho biết, trên thị trường, trái phiếu có tài sản đảm bảo chiếm 33%, số lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 67%.
Cũng theo ông Duy, có một quan niệm phổ biến là cứ trái phiếu có tài sản đảm bảo sẽ có rủi ro ít hơn trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo có nhiều dạng như bất động sản, dự án hình thành trong tương lai, cổ phiếu. Với mỗi loại tài sản đảm bảo khác nhau, tỷ lệ thu hồi khi chậm trả cũng có sự khác biệt như đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu tỷ lệ này là 20%, với dự án tỷ lệ là 11% và bất động sản là 10%.
Ông Duy đưa ra nhận định rằng: Dù đảm bảo bằng cổ phiếu, dự án hình thành trong tương lai hay bất động sản, trái chủ vẫn phải đối mặt với rủi ro thua lỗ. Nhìn vào tỷ lệ thu hồi khi chậm trả của các loại hình trái phiếu, ông nhấn mạnh, không phải trái phiếu đảm bảo bằng bất động sản đã an toàn.
Liên quan đến trái phiếu có tài sản đảm bảo, bà Thái Thị Quỳnh Như, đến từ Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, điều kiện để phát hành trái phiếu ra thị trường có hai loại gồm trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo và một loại là có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu chiếm 38%, tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm 30%, tài sản là một số dự án hình thành trong tương lai chiếm 32%.
Đưa ra con số này, bà Như nhấn mạnh, bất động sản đóng vai trò quan trọng là tài sản đảm bảo cho trái phiếu. Khi nhà đầu tư quyết định đầu tư thì họ sẽ nhìn nhận vào độ tin cậy của trái phiếu đó. Nếu có rủi ro thu hồi vốn và dòng tiền đầu tư thì trái phiếu không có đảm bảo sẽ rất khó thu hút bởi huy động vốn từ các cá nhân chiếm phần lớn so với doanh nghiệp. Với người dân, quyết định lấy tiền tiết kiệm mang đi đầu tư thì tài sản đảm bảo là rất quan trọng.
Bà Như cho hay: "Một tập đoàn trước khi có biểu hiện nguy hiểm thì đều đưa ra lãi suất huy động trái phiếu cực kỳ cao 12%/năm hoặc hơn thế. Tôi nghĩ không có một doanh nghiệp nào kinh doanh đầu tư có được lãi suất khủng như thế".
Khi đó, tài sản đảm bảo bằng bất động sản thì giá trị pháp lý như thế nào? Có dự án đã có chủ trương đầu tư, dự án thì có quyết định giao đất,… Trong trường hợp người ta không thu hồi được tất cả nhưng ít nhất người ta vẫn lấy được một phần. Bà Như cũng lấy ví dụ trên thị trường, ngay cả trái phiếu được đảm bảo bằng dự án nhưng nhà đầu tư gặp vẫn gặp rủi ro. Như khi doanh nghiệp không thanh toán được nợ, nhà đầu tư buộc phải thu hồi bằng bất động sản như căn hộ nhưng lại phải chấp nhận giá cao hoặc gặp vấn đề về pháp lý.
Thế nên, bà Như cho rằng, tài sản đảm bảo cũng cần minh bạch thông minh và phải đảm bảo chính xác và độ tin cậy đối với các nhà đầu tư. Minh bạch nhưng không có độ đảm bảo mặt pháp lý thì khó. Thế nên, các cơ quan giám sát đối với tài sản đảm bảo bằng bất động sản cần kiểm soát kỹ lưỡng pháp lý để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.